Friday, July 25, 2025

Chile: Hành Trình Đến Tận Cùng Thế Giới

 

Từ Berlin, mình đã bắt đầu hành trình đến Nam Mỹ bằng chuyến bay của Latam Group đến Chile. Chile không yêu cầu visa đối với người Việt Nam, điều này biến nơi đây thành ưu tiên số một của mình khi khám phá lục địa đầy mơ ước này.

Madrid: Cổng Trung Chuyển Đến Nam Mỹ

Chuyến bay của mình quá cảnh ở Madrid. Ngay khi máy bay hạ cánh, việc nó chạy vòng vòng hết cảng này đến cảng khác đã khiến mình ngạc nhiên về độ lớn của sân bay Madrid. Rồi khi bước vào bên trong, mình mới thực sự cảm nhận đây quả thật là một trung tâm trung chuyển chính đi qua Nam Mỹ, có cảm giác còn rộng lớn hơn cả sân bay ở Qatar. Mình hạ cánh ở cổng K và phải đi bộ miệt mài để tìm tàu đi qua cổng S. Cổng S và M là dành cho các chuyến bay quốc tế và sẽ qua kiểm soát hải quan. May mắn là hải quan ở đây có khá nhiều cổng và làm việc hiệu quả, đóng dấu "rụp" là xong, không phải chờ đợi dài cổ như hôm đến Porto. Từ lúc máy bay đáp đến khi hoàn tất thủ tục hải quan mất tổng cộng khoảng một tiếng. Thật may mắn là hôm trước mình không mua chuyến bay nối chuyến 50 phút mà chọn chuyến hơn ba tiếng, chứ lơ ngơ tới đây lần đầu rồi lạc đường thì coi như "hỏng bét" chuyến bay tiếp theo.

Trải qua hơn 20 tiếng bay dài, nửa vòng trái đất, băng qua nhiều múi giờ, từ trời hạ châu Âu đến đông lạnh Nam Mỹ. Một sự đảo chiều kỳ lạ trong cảm xúc và khí hậu: ở Tây Ban Nha mùa hè đang rực rỡ vậy mà chỉ sau vài chục tiếng, mình đã đứng giữa tháng 6 và run rẩy trong cái lạnh của mùa đông ở Chile.

Santiago: Trái Tim Kinh Tế và Văn Hóa

Santiago là thủ đô hành chính, trái tim kinh tế, văn hóa, lịch sử của Chile. Thành phố này nằm trong một thung lũng rộng lớn, bao quanh bởi dãy Andes về phía đông. Dân số ở đây khoảng 7.000.000 người, chiếm gần 40% dân số Chile. Vùng này trước đây là nơi sinh sống của các bộ tộc bản địa như Picunche và Mapuche cho đến năm 1541, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã đến đây và thành lập Santiago.

Thách Thức Mua SIM và Tỷ Giá Hối Đoái

Xuống đến sân bay Santiago, ban đầu mình định đi mua SIM để lắp vào điện thoại rồi gọi xe về trung tâm. Tuy nhiên, ở sân bay không tìm ra cửa hàng bán SIM. Nhờ có Wi-Fi công cộng, mình cũng lên mạng đặt được Uber về khách sạn. Sân bay Santiago cách trung tâm 17 km, đi Uber hết 16.000 CLP, tương đương khoảng 15.5 Euro, bao gồm cả phí sân bay.

Bên đây đón Uber hơi phức tạp chút, cách bố trí giống kiểu sân bay Tân Sơn Nhất ở Việt Nam vì Uber sẽ không được đậu xe đón khách ở lối ra Arrival mà phải dừng và đậu trong khu vực parking nằm ở góc mé trái nhìn từ cổng ra. Lúc mình xuống lớ ngớ nhìn định vị không tìm ra xe ở đâu, hỏi một bạn nhân viên thì chỉ đi lên lầu, đi lên lầu thì cũng không tìm thấy định vị xe. May mắn sao anh bạn lái Uber rất nhiệt tình đỗ xe trong bãi rồi chạy đi kiếm mình thế là gặp được ở cổng trên lầu. Anh mà không đi kiếm thì có khi không tìm được nhau. Sân bay Santiago chia thành Terminal 1 (T1 National) dành cho bay nội địa và Terminal 2 (T2 International) dành cho bay quốc tế. Hôm từ Santiago bay Puerto Natales thì phải biết để nói Uber chạy qua T1.

Tỷ giá đổi tiền ở sân bay rất thấp. Mình ghé một quầy hỏi thì 50 Euro chỉ được 43.000 CLP, 150 Euro thì tính 137.000 CLP. Hôm sau, mình ra trung tâm và đổi ở tiệm Inmonex với tỷ giá khá tốt: 1 Euro ăn 1085 CLP. Khu vực này có mấy tiệm đổi tiền trên con đường Agustinas với tỷ giá cực kỳ cạnh tranh, ví dụ Afex là 1088, Cambio là 1090 cho 1 Euro. Kinh nghiệm là nên đổi tiền cho toàn bộ chuyến đi ở Santiago vì nơi đây có tỉ giá tốt nhất. Mấy hôm sau khi xuống Natales thì mình thấy tỉ giá chỉ có 970 còn ở Puerto Montt thì mình đổi được tỉ giá 1070.

Đây cũng là phố đi bộ mua bán tấp nập và dễ dàng tìm thấy các cửa hàng bán SIM điện thoại. Tuy nhiên, khi vào các cửa hàng Entel, Movistar, họ đều đòi có Chile ID mới bán SIM. Sau đó, mình vào Claro và gặp một bạn nhiệt tình hỗ trợ. Dù không nói được tiếng Anh, bạn cũng cố gắng giải thích rằng SIM miễn phí, nạp thêm 2000 CLP thì có 5GB data dùng được 15 ngày. Nhưng đến lúc kích hoạt thì gặp lỗi, bạn ấy cũng bó tay, khuyên mình đi qua cửa hàng khác. Mình vào một cửa hàng Movistar nhỏ hơn, may sao gặp được một chị nói tiếng Anh khá tốt. Chị giải thích là ngày hôm đó hệ thống bị lỗi, tất cả các SIM trả trước đều không kích hoạt được và hẹn mình mai quay lại. Ngày hôm sau quay lại, nhờ chị hỗ trợ nhiệt tình, cuối cùng mình cũng mua được cái SIM. Thì ra chị đã dùng thông tin của chị để kích hoạt giúp mình, bởi thật ra muốn mua SIM ở Chile thì phải có ID card ở đây. Quy định bắt đầu khó khăn từ hồi tháng 2 năm 2025, nên đây là một thử thách đối với khách du lịch chỉ có hộ chiếu. Giải pháp thay thế tất nhiên là mua các loại eSIM quốc tế online, nhưng chúng thường đắt hơn. Hôm mình xem thì eSIM bán 15 Euro cho 10GB sử dụng trong 30 ngày, trong khi Movistar có đến 40GB cùng thời gian sử dụng mà giá chưa tới 5 Euro.

Ẩm Thực và Chi Phí Sinh Hoạt

Ngày đầu tiên, mình thấy ăn uống ở Chile giá cả khá dễ chịu. Thu nhập bình quân đầu người ở đây có vẻ cũng khá (hơn 17.000 USD một năm), nhưng giá cả ăn uống thì ổn. Mình vào Central Market ăn một bữa hải sản hai người hết 25.000 CLP, bao gồm hai ly rượu vang, hai shot rượu miễn phí, hai chén súp và bánh mì chấm sốt cà chua. Các cửa hàng dọc đường cũng thấy vài tiệm bán set menu, bao gồm món chính, nước và khoai tây, chừng 6000 CLP (tức là khoảng chưa tới 6 Euro). Tuy nhiên, qua các ngày tiếp theo khi tìm các nhà hàng khác thì giá cả lại rơi vào trung bình 10.000 CLP một món, thành ra có cảm giác không còn rẻ nữa mà ăn uống cũng vào mức trung bình. Hôm sau vào một quán ăn nằm trong khu trung tâm ăn uống của tòa nhà đối diện với quảng trường, ăn hai món truyền thống của Chile giá 26.000 CLP vì có hai ly bia đã hết 7000 CLP. Bên đây khi vào nhà hàng quán ăn thì giá cả bia với rượu vang là như nhau. Vào siêu thị thì nếu mua bia local mới có giá 1000 CLP, các loại bia nhập thì cũng từ 2000 CLP trở lên.

Nơi Ở và Phong Cách Sống

Mình đặt phòng tại Maktub Brasil - Hostal Boutique, phòng có toilet riêng, bếp chung và ăn sáng đơn giản, giá 28.3€/đêm. Từ đây, đi bộ khoảng 1km (chừng 15 phút) là vào tới trung tâm. Thành phố Santiago chia thành nhiều khu vực gọi là commune. Khu mình ở gọi là khu Brasil, nơi có khá nhiều nhà hàng, quán bar. Xung quanh đó còn có các khu vực khác tên là Bolivia, Argentina, San Pablo… kiểu như lấy tên các địa danh trong châu lục đặt tên cho các phường hay quận của mình.

Với mình thì đời sống ở Santiago khá là dễ chịu. Đi bộ trong thành phố Santiago vào một buổi sáng mùa đông, các con đường đông đúc sẽ dẫn bạn đến Plaza de Armas - trái tim của thành phố. Xung quanh là bưu điện trung tâm, tòa án hoàng gia và nhà thờ chính tòa. Quảng trường này cũng là nơi diễn ra các lễ hội, trò chơi, buôn bán, một cuộc sống sống động nơi phố thị. Từ Plaza de Armas, bạn có thể rẽ vào những khu phố đi bộ như Paseo Ahumada hay Paseo Huérfanos – nơi dòng người tấp nập. Tại đây, mình thấy ca hát, nhảy múa, biểu diễn chơi trống khắp nơi. Dù đang là mùa đông, đời sống vẫn cứ sôi động, khiến mình tự hỏi không biết mùa hè nó còn vui đến cỡ nào.

Con người ở đây cũng khá là dễ thương, đa số chỉ nói được tiếng Tây Ban Nha. Khi mình đi mua đồ, họ nói tùm lum rồi hỏi "habla inglés?" và tìm cách lấy điện thoại dịch cho mình hiểu. Cảm giác của mình khi đi du lịch ở Chile chắc cũng không khác mấy so với expat đến Việt Nam – kiểu như người Việt không nói được tiếng Anh nhưng vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Điều này thật sự tạo thiện cảm cho mình khi đến với khu vực Mỹ Latin này. Chỉ có một điều khiến mình suy nghĩ là chắc phải đi học tiếng Tây Ban Nha thôi, để hiểu hơn và gắn kết hơn với đời sống của họ. Vào một quán ăn bán bia, họ mở nhạc xập xình sôi động như quán bar. Đi ăn mà cứ muốn vừa ăn vừa ngồi lắc lư. Đúng là có "mood" hơn hẳn khi sống ở đây, mặc dù nhiệt độ ngoài trời thì có 5°C, mình phải ngồi kế máy sưởi để có cảm giác ấm áp thêm một chút. Bia bên này có cái "mốt" thêm các loại gia vị vào, thường là sẽ miễn phí, kiểu như cho chanh, muối, hoặc ớt, sốt cà chua, thêm vài cái kẹo hay hai con tôm muối ớt, gọi là Micheladas.

Lần Đầu Cắt Tóc ở Nam Mỹ

Đến với Chile, Mỹ Latin, cuối cùng mình cũng đã đi cắt tóc. Mình chờ đợi mãi, khó chịu với cái mái tóc dài luộm thuộm, suốt ngày gội đầu phát mệt. Mình chỉ chờ sang Mỹ Latin để được đi cắt tóc, không hiểu sao lại có cái cảm giác nếu cắt tóc ở đây sẽ rất là ổn, mặc dù mình cũng đâu có biết tay nghề họ thế nào. Thế là mình đến tiệm của bạn Alex. Sáng ra nhắn tin WhatsApp cho bạn để đặt lịch hẹn, gửi cho bạn hình mình đang tóc dài rồi kiểu tóc ngắn mình muốn cắt. Bạn còn hỏi sao tự nhiên mình muốn cắt tóc ngắn dữ vậy. Tới nơi, hai đứa một đứa nói tiếng Anh, một đứa nói tiếng Tây Ban Nha, dùng Google Translate thế mà cũng hiểu nhau, nói chuyện với nhau suốt hai tiếng đồng hồ rôm rả. Nhờ vậy mà mình cũng hiểu nhiều hơn về Chile, đời sống con người, mặc dù Alex là người Venezuela, có partner là người Chile thôi. Cuối buổi, Alex còn tặng cho mình một đôi bông tai nói là màu đặc trưng của Chile, hy vọng mình sẽ nhớ đất nước này, làm mình cảm động ghê gớm. Alex ngại là mình chưa vừa ý với mái tóc, trong khi mình thì không biết có nên cắt ngắn hơn không vì sợ mặt hơi "ngáo" một chút. Nhưng thật ra mình rất ưng ý với tay nghề của Alex và ưng ý hơn là tính cách và phong cách phục vụ của bạn. Cuối buổi có thêm bạn partner xuất hiện nói được mấy câu tiếng Anh cũng giúp hai đứa bớt Google Translate nhiều hơn. Cắt tóc xong còn rủ tối nay mình với chồng đi hát karaoke với họ. Thật còn nhiệt tình hơn người Việt Nam nữa đó.

Những Nhận Định Về Dân Tộc và Địa Lý

Qua tới đất Nam Mỹ, mình mới phát hiện rằng thật ra mình không phân biệt được các dân tộc ở khu vực này. Đi ngoài đường, thật tình là không thể nào phân biệt xem một người họ là dân gốc ở Chile hay họ đến từ các đất nước như Venezuela, Mexico. Cảm giác y chang như khi ở châu Âu, mình cũng không phân biệt được một người đến từ Đức hay Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy các kiểu. Thật sự là hiểu được cảm giác của dân bên này khi họ qua châu Á mà không phân biệt được Việt Nam, Thái Lan, Philippines. Bởi bản thân mình sau mấy năm sống ở châu Âu, ra đường gặp người Thái còn tưởng lộn Việt Nam thì huống gì. Mà ghê gớm hơn là ở đây, khi nhìn dân Nam Mỹ, thỉnh thoảng mình còn có cảm giác không biết họ có phải dân châu Á hay không. Vì dân ở đây họ cũng tóc đen, mắt đen, nhỏ nhỏ con. Bởi vậy, lúc ở Đức thấy mình thuộc dạng "mini size", nhỏ con, tự ti các kiểu vậy mà qua đây thấy mình còn cao hơn một số người, tự tin hơn hẳn. Có hôm vào quán ăn còn được hỏi mày đến từ Brazil hả? 😂 Không lẽ dân Mỹ Latin là họ lai giữa Âu và Á chăng?

Trải Nghiệm Mua Sắm và Văn Hóa Đường Phố

Khu vực trung tâm giữa các đoạn đường HuérfanosAgustinas là những con phố đi bộ tấp nập buôn bán. Santiago cũng có văn hóa buôn bán lề đường; mọi người chỉ cần dựng một cái bàn là có thể bày bán đủ thứ món. Vào các cửa hàng thời trang, giá cả khá rẻ. Mình thấy có những món đồ đông, áo khoác lạnh mà bán giá tầm 7-15 Euro, tính ra rẻ hơn nhiều so với Đức. Còn các cửa hàng ngoài đường mình đoán là còn rẻ hơn, có khi còn trả giá được. Hai vợ chồng mình khi quay lại châu Âu đã bỏ hết đống đồ đông nên bây giờ, để chuẩn bị tinh thần đi xuống khu vực băng giá, phải đi mua thêm hai cái áo giữ nhiệt (áo dày cộm), mỗi cái 15.000 CLP.

Thành phố này cũng có nhiều nhà thờ, trông có vẻ màu mè sặc sỡ hơn, nhìn sôi động hơn so với châu Âu. Trên đỉnh San Cristóbal Hill thì cũng có tượng Đức Mẹ Maria cao chót vót. Thấy đúng là có khá nhiều nét tương đồng trong tôn giáo. Ở Việt Nam, trên đỉnh núi, đỉnh đồi người ta có chùa, có những tượng Phật lớn nhìn xuống con dân thì ở đây theo đạo Chúa, trên đỉnh sẽ là một cái nhà thờ và dĩ nhiên sẽ là tượng Chúa hay Đức Mẹ hùng vĩ.

Đất nước Chile đã được độc lập hơn hai trăm năm, thành ra họ cũng có một thời gian dài để phát triển và xây dựng nền văn hóa của chính mình. Trên đường đi lên đồi, mình bắt gặp những con phố được vẽ Graffiti khá đẹp. Kiểu văn hóa đường phố cũng là một nét đặc trưng ở đây.

San Cristóbal Hill: Viên Ngọc của Santiago

Santiago có cái đỉnh San Cristóbal Hill được đánh giá là một trong ba điểm thu hút khách du lịch ở khu vực Nam Mỹ, bên cạnh thác Iguazu và Tượng Chúa Cứu Thế ở Brazil. Ban đầu lúc đi lên đỉnh, mình chỉ nghĩ là một cái viewpoint để có thể ngắm được toàn thành phố. Thấy có cáp treo với Funicular đi lên đi xuống cũng đỡ mệt. Tới nơi mới phát hiện là mỗi trạm dừng đều là một khu du lịch. Trạm Tubahue là nơi có thể ngắm hoàng hôn, có hồ bơi và công viên. Trạm Oasis thì có khu vực chơi các trò chơi mạo hiểm, vườn Nhật. Thành ra mình mất thời gian ở đây chừng năm tiếng đồng hồ mà có cảm giác mới đi lướt lướt. Hoàn toàn có thể dành cả ngày cho khu vực này.

Hành Trình Đến Patagonia: Từ Santiago Đến Puerto Natales

Chuyến Bay Đầy Kịch Tính

Mình trở lại sân bay Santiago để bay qua Puerto Natales. Chuyến bay này khá dài, mất bốn tiếng rưỡi trong đó có 45 phút transitPuerto Montt, mình ngồi yên trên máy bay để trả và đón thêm khách từ đây lên.

Buổi sáng ra sân bay, còn đang lớ ngớ dòm bảng điện tử, bảng hướng dẫn thì có một anh bạn mặc đồng phục nhìn như nhân viên sân bay, có đeo thẻ tên đàng hoàng, nói được cả tiếng Anh, chạy ra hỏi mình bay đi đâu sau đó nhiệt tình hướng dẫn dắt ra cái máy để tự in vé và tag hành lý. Sau đó dán tag lên rồi dẫn mình ra quầy gửi hành lý. Tới cái khúc dẫn ra quầy thì cũng thấy hơi nghi nghi rồi vì nếu là nhân viên sân bay thì hướng dẫn làm thủ tục xong là thôi chứ. Đến lúc anh ấy bưng hành lý lên cho mình, mình cảm ơn rối rít thì bắt đầu nói anh ấy sống nhờ tips. Thế là hiểu, coi như sáng mất thêm 5€ tiền dịch vụ để hiểu cách sân bay hoạt động như thế nào. Lên máy bay ngồi cạnh một bạn làm nhân viên sales cho hệ thống bán lẻ thiết bị công nghiệp mà cũng không nói được tiếng Anh. Thấy cũng hơi ngạc nhiên, so ra thì dân văn phòng Việt Nam trẻ trẻ bây giờ tiếng Anh như gió rồi mà.

Nửa chặng đầu tiên bay bình thường, tới Puerto Montt đáp xuống trả một số khách rồi đón thêm khách lên máy bay. Sau đó máy bay cất cánh và bay tiếp, mình cứ đinh ninh là 14:30 thì tới nơi. Đến hơn 14:30 vẫn không có dấu hiệu gì hạ cánh mà trước đó còn nghe phi công thông báo gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha nên mình hỏi tiếp viên thì biết được thông tin là máy bay đang bay ngược trở lại Santiago. Thông tin quan trọng vậy mà nói mỗi tiếng Tây Ban Nha không ai thèm nói tiếng Anh cho mình biết. Thấy bắt đầu phát nước, cà phê cho uống trong khi chờ đợi. Sau đó tiếp tục có một hai lần thông báo nữa cũng chỉ nói tiếng Tây Ban Nha làm mình lại phải đi hỏi tiếp viên. Mà mấy bạn tiếp viên thì có mỗi một bạn duy nhất nói được tiếng Anh, kêu mấy bạn kia lại thì toàn kêu chờ chút kiểu "để tao đi kiếm người nói chuyện với mày". Thông tin cuối cùng nhận được là 15:30 máy bay sẽ hạ cánh xuống Santiago rồi xuống đó xử lý tiếp. Ra khỏi nhà từ 7:30 sáng, làm một vòng trái đất xong chuẩn bị quay trở lại nơi cũ thật bất ngờ.

Xuống tới nơi, hạ cánh xong, mọi người lũ lượt kéo nhau đi lấy hành lý rồi lên quầy của hãng Sky Airline đứng xếp hàng chờ giải quyết. Thật là kinh nghiệm lần đầu tiên trong đời được bay "đã đời" rồi hủy chuyến quay vòng lại, đủ mùi trải nghiệm đi du lịch rồi còn gì nữa. Khách sạn ở Puerto Natales thì đã đặt rồi mà hôm nay thì không còn chuyến nào khác để mà đổi, chỉ có chờ xếp lịch qua ngày mai. Thế là vội vàng nhắn với bạn cho thuê căn hộ là mình không đến được, khi nào biết thời gian đến sẽ nhắn lại. Tầm 200 con người đứng lũ lượt chờ ở 6 cái quầy để giải quyết chuyến tiếp theo. Mà nhờ vậy mới phát hiện dân Nam Mỹ hình như họ bình tĩnh đến lạ, không thấy ai mặt mũi nhăn nhó, la hét. Mọi người chậm rãi đứng xếp hàng nói chuyện với nhau vẫn còn cười vui vẻ. Một số gia đình có con nhỏ xếp được nửa chừng thì được chuyển qua line khác giải quyết nhanh hơn. Cảm giác ngoài mình ra thì hình như không còn ai lo lắng.

18:00 tới quầy giải quyết, 18:30 lên xe buýt đi về khách sạn, 19:00 check-in, 19:30 xuống ăn tối, mỗi người được một đĩa cơm cá với chai nước. Kết thúc một ngày dài mệt mỏi, tour du lịch máy bay 12 tiếng. Giờ phải đi ngủ sớm để sáng mai 4:30 sáng xe buýt lại đưa mình trở lại sân bay. Chuyến bay mới sẽ khởi hành lúc 8:10.

Ngày mới lọ mọ từ 2:00 sáng tỉnh dậy tham dự một cuộc họp video rồi sau đó sắp xếp hành lý, đánh răng rửa mặt, lên xe buýt ra sân bay tiếp tục cuộc hành trình đi về phương Nam. May mắn sao ngày hôm nay máy bay bay đúng giờ đến đúng giờ thế là 12:30 mình đã có mặt ở Puerto Natales. Xuống sân bay còn đang ngơ ngác ngạc nhiên vì chưa từng thấy cái sân bay nào nhỏ như thế này, cái phòng chờ có chút xíu y như một trạm xe buýt. Đang lớ ngớ chưa biết đi về khu trung tâm với nhà nghỉ mình đặt như thế nào, ra thấy có cái bảng xe Transit 4000 CLP/người, tính đặt rồi, nghĩ sao check Uber thử thì thấy đi Uber có hơn 7000 CLP cho hai người lại về tận nơi, bao tiện. Thế là đặt Uber ngay, ai dè 2 phút sau xe có mặt. Ở Puerto Natales mấy ngày mới phát hiện ở đây Uber rất nhiều, đặt cái là có ngay, dễ dàng thuận tiện đi lại mà rẻ nữa. Còn không thì cứ ra ngoắc taxi đi lên cùng giá 3000 CLP 1 chuyến, đi đâu cũng vậy vì cái thị trấn này nó nhỏ xíu, vòng đi vòng lại chắc bán kính chỉ chừng năm ba km là hết. Vậy mà ngày nào hai vợ chồng mình cũng lội bộ 7-8 cây số đi vòng vòng cái thị trấn muốn hết cả đường của người ta.

Puerto Natales: Cánh Cửa Vào Patagonia

Puerto Natales là một thị trấn nhỏ ở miền nam Chile, nằm nép bên vịnh Última Esperanza (tạm dịch: Hy vọng cuối cùng – nghe đã thấy phiêu). Đây là điểm dừng chân chính cho du khách trước khi khám phá Torres del Paine, glacier hay các vùng thiên nhiên kỳ vĩ của Patagonia.

Dù nhỏ xíu, Natales có vibe rất chill: phố vắng, nhà gỗ xinh xinh, gió thì thổi lồng lộng như muốn bay người. Buổi sáng ngắm flamingo, chiều đi dạo bờ biển, tối ăn cừu nướng uống bia Patagonia là "hết sảy" luôn!

Ở đây mình đặt Casa Dragones Puerto Natales qua booking.com, ở 6 đêm hết 218 Euro chưa bao gồm thuế. Ở đây nếu trả tiền mặt thì không tính thuế, nhưng nếu thanh toán qua thẻ thì cộng thêm 39 Euro tiền thuế nữa. Hai vợ chồng bạn chủ nhà cũng linh động, báo Booking hủy không tính tiền mình đêm đầu tiên lúc mình chưa tới được, sau đó cho mình extend thêm một đêm vì nhà cũng trống. Tới nơi mình mới lọ mọ đi mua vé máy bay về lại Puerto Montt rồi từ Puerto Montt đi tiếp qua Calama. Nên tùy tình hình chuyến bay mà có khi phải ở dài thêm.

Khám Phá Patagonia: Torres del Paine và Glacier

Sau hai ngày khám phá thị trấn thì qua ngày thứ ba bắt đầu chương trình tour. Ở đây mình đi 2 tour, mà mùa này các agency chủ yếu chỉ có 3 tour hoạt động.

Tour Full Day Torres del Paine: Viên Ngọc Của Patagonia

Ngày đầu tiên đi tour Full day Torres del Paine. Tour này sẽ đón tại nhà lúc 8:00 sáng (qua mùa hè có thể là từ 7:00), sau đó chạy chừng 1 tiếng 20 phút đi vào trong khu vực công viên Torres del Paine. Trên đường đi bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn những dãy núi đỏ rực khi bình minh lên. Mùa này ở đây mặt trời mọc lúc 09:30 sáng. Vé công viên thì khách du lịch sẽ tự mua riêng, có thể mua online giá 32.000 CLP đi được ba ngày thoải mái vào công viên, không thì tới cổng kiểm soát mình thấy cũng có máy bán vé. Tiền tour mình book qua agency tour365 là 55.000 CLP/người. Lịch trình tour sẽ đi lần lượt qua mấy cái hồ Lago Sarmiento, Laguna Amarga, Lago Pehoé, Lago Nordenskjöld.

Patagonia là vùng đất rộng lớn và hoang sơ trải dài giữa nam Chile và Argentina – nơi mà bản đồ gần như… hết chỗ để đi tiếp. Cảnh ở đây không giống bất kỳ đâu: núi băng, sông băng, hồ xanh biếc, gió thổi muốn bay người và không khí thì lạnh mà “tỉnh cả người”. Trong đó, Torres del Paine National Park là viên ngọc sáng của Patagonia Chile. Công viên này nổi tiếng với ba đỉnh núi đá granite hùng vĩ – biểu tượng của cả vùng, cùng hệ sinh thái cực kỳ đa dạng: từ thảo nguyên, rừng, hồ, cho đến sông băng.

Dừng ở bảy điểm view đẹp đẽ ngắm Paine Horns với Towers và mấy em hồ, coi như là check-in gần hết cái công viên rồi. Nếu ai muốn đi chậm lại kỹ hơn thì hôm sau có thể thuê xe tự đi vào đây rồi dừng ở nhiều địa điểm hơn. Tuy nhiên, cơ bản thì mình thấy Tour đã dừng ở hầu hết các điểm đẹp để có thể ngắm cảnh, dĩ nhiên là thời gian sẽ hạn chế vì còn nguyên một đoàn chờ nhau nên mỗi nơi xe chỉ dừng chừng 10-15 phút. Hôm mình đi có điểm cuối cùng là Lago Grey không vào được do đường đóng băng đang tan cực kỳ trơn trượt, có những con dốc không thể nào chạy lên được nên đoàn đành phải hủy điểm dừng cuối cùng này và quay về lại khu camping Pehoe để ăn trưa. Điểm cuối cùng thì là cái hang Milodon với mình không hấp dẫn lắm nên mình không đi vào trong. Đây là nơi người ta tìm thấy hóa thạch của loài Milodón (lười đất khổng lồ đã tuyệt chủng).

Đường đi vào và bên trong công viên bắt gặp khá nhiều đàn Guanaco đang nhẩn nha gặm cỏ. Guanaco là một loài động vật hoang dã thuộc họ lạc đà (camelid), họ hàng gần của llama, sống chủ yếu ở vùng Nam Mỹ, đặc biệt là khu vực Patagonia. Nghe đồn thỉnh thoảng du khách còn gặp Puma (còn gọi là cougar, mountain lion, hay sư tử núi) là một loài mèo lớn hoang dã, chủ yếu săn guanaco để sống. Tuy nhiên, hôm mình đi bọn chúng no nê trốn đi ngủ đâu hết trơn, anh tourguide săn miệt mài mà không phát hiện ra con nào cho coi.

Tình hình thời tiết như vậy thì mình nghĩ là tour Glacier Grey cũng sẽ bị hủy vì đâu còn con đường nào khác để đi vào nữa. Ban đầu mình tính xem đi tour full day này coi đường xá xe cộ như thế nào rồi quyết định ngày hôm sau có thuê xe để tự lái vào công viên đi chơi tiếp hay không. Lúc buổi sáng thấy xe chạy băng băng đường xá ngon lành đang đinh ninh có vẻ thuê xe cũng ổn thì đến cái khúc đi vào Grey là bỏ ý định luôn. Ngồi trên xe thấy bánh xe trượt trượt xong sau đó tới một con dốc mấy chiếc xe nối đuôi nhau đứng yên, mấy bác tài bước xuống trượt patin lại xong quyết định cùng nhau quay về là thấy thôi, mình ít kinh nghiệm đi đường băng tuyết, tốt nhất là không chui vô đây lỡ đứng yên luôn trong này không biết làm sao. Lúc đi về thì nghe anh tourguide nói là cảnh sát đã block luôn con đường đi vào Grey, chắc họ sẽ phải chờ xử lý xong con đường trơn trượt đó thì mới mở cửa ra tiếp được.

Tour Balmaceda & Serrano Glaciers Navigation: Ngắm Sông Băng

Ngày hôm sau mình tiếp tục đi tour Balmaceda and Serrano Glaciers Navigation để ngắm glacier. Glacier là một khối băng khổng lồ hình thành từ tuyết rơi tích tụ qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, và nén lại thành băng đặc. Khi khối băng đủ lớn, nó bắt đầu chuyển động chậm dưới tác động của trọng lực, giống như một dòng sông băng rất chậm chạp – vì vậy gọi là sông băng. Glacier thường có ở các vùng núi cao (như dãy Andes, Himalaya, Alps…), các vùng cực (Nam Cực, Bắc Cực, Greenland). Ở Chile, bạn có thể thấy glacier tại Patagonia – ví dụ như Glaciar Grey, Balmaceda hoặc Serrano.

Ban đầu còn băn khoăn chưa biết lựa chọn giữa Grey Glacier hay bên này, vì khi so sánh thì Grey Glacier có vẻ lớn hơn tuy nhiên sẽ cần đi xe buýt vào khách sạn Grey Glacier nằm bên trong công viên rồi mới đi tàu ba tiếng trên hồ. Ngược lại tour bên này thì đi cruise từ trong bến cảng thành phố, coi như full day đi tàu và dừng lại ở hai điểm glacier thì có cái thứ hai sẽ đi hiking lên, lịch trình thì có vẻ hấp dẫn hơn chút lại bao gồm ăn uống. Đi xong tour ngày hôm qua biết bên thằng Grey đóng luôn đường thì coi như không còn sự lựa chọn.

Tour này thì 8:00 có mặt ở văn phòng của 21 de Mayo, sau đó họ sẽ có xe buýt đưa ra bến thuyền và từ đây đi Cruise khoảng hai tiếng rưỡi để đến tham quan khu vực glacier đầu tiên. Trên đường đi tàu sẽ đi ngang qua các điểm để ngắm cảnh, ngắm chim và dĩ nhiên sẽ được tiếp tục ngắm mặt trời mọc đỏ rực trên những dãy núi. Chương trình là đến hai cái glacier Balmaceda & Serrano – cặp đôi sông băng giữa lòng thiên nhiên hoang dã Patagonia.

Nằm trong Bernardo O’Higgins National Park – công viên quốc gia lớn nhất Chile, Glaciar Balmaceda và Glaciar Serrano là hai trong những điểm đến nổi bật và dễ tiếp cận nhất để ngắm băng ở khu vực Patagonia phía nam Chile, gần Puerto Natales.

Glaciar Balmaceda nằm trên sườn núi Balmaceda, được nhìn thấy từ xa qua du thuyền. Với hình ảnh dòng băng chảy xuống vách núi dựng đứng, đổ ra hồ nước xanh biếc. Glaciar Serrano có thể đi bộ tiếp cận khá gần, chỉ cần trekking chừng 20-30 phút vào trong Bernardo O'Higgins National Park để lên viewpoint. Đường đi thì không khó nhưng mùa này băng tan rất trơn trượt, cứ hễ bước lên mấy tảng đá hay mấy cây cầu gỗ là y như đi trượt patin. Tour được cái, buổi sáng lên tàu có cà phê với bánh ăn, đi 2 cái glacier về thì có whisky cho uống, nghe đồn là whisky này được uống với đá lấy từ khu vực nước băng vùng này. Sau đó thì ăn trưa cũng khá ổn, có thịt cừu nướng ăn với khoai tây, súp, salad, bánh mì cộng thêm một ly rượu vang hoặc nước ngọt. Ai uống thêm thì mới phải trả tiền thêm, ai không ăn cừu thì có gà hoặc đồ chay. Tụi mình đặt trực tiếp với các bạn 21 de Mayo giá 165.000 CLP/người, đặt hai người còn được giảm 5%. Không biết mùa hè như thế nào nhưng mùa này có cảm giác hình như cả cái thành phố/thị trấn này khách du lịch ai cũng đi cái tour này nên thuyền của mình có hơn cả 100 khách. Ăn trưa xong là tầm 4:00 chiều, thế là tàu quay trở ngược về bến cảng ở Puerto Natales. Trả khách về lại nhà thờ trung tâm là 17:00.

Sau hai ngày đi tour thời tiết đẹp đẽ thì đến hôm sau sương mù dày đặc bao phủ thành phố cả ngày trời. Nghĩ lại cũng hên nếu hôm trước mà lo đi book xe thì giờ cũng chẳng đi đâu được. Du lịch mùa đông đúng là tới ngày nào hay ngày đó, không thể tính trước. Kinh nghiệm của mình là không nên đặt trước bất cứ thứ gì, tới nơi rồi tính. Mùa hè không biết thời tiết đẹp thì ra sao, khách du lịch có đông quá mức không, nhưng đọc review của các bạn đi đến vùng này mùa hè thì đa số cũng đều thuê xe đi chơi được.

Ngày ra sân bay Puerto Natales để bay qua Puerto Montt, mình thấy bầu trời một màu trắng xóa, chỉ có một vệt nắng xa xa ở cuối đường chân trời. Trên đường đi cứ nghĩ bụng không biết hôm nay máy bay có bay đúng giờ không hay lại hủy chuyến vì thời tiết. Cảm giác bay ở vùng này thật là hồi hộp vì lịch bay có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Hôm nay mình mới có dịp quan sát cái sân bay mini địa phương ở đây: khu vực check-in chỉ có ba quầy, hai quầy của hãng Latam, một quầy của hãng Sky Airline, cổng ra máy bay thì có duy nhất một cái. Đây chắc là cái sân bay nhỏ nhất mà mình từng đi. Mà đúng là thành phố cũng nhỏ thật, cùng một chị Uber đưa mình từ sân bay về nhà nghỉ rồi cũng chị ấy đưa mình trở ngược lại sân bay.

Chuyến bay của mình lúc 15:19, 15:00 thông báo chuyến bay hủy, bạn trở về quầy counter để nhận thêm thông tin. Vùng này quả thật không dễ đến dễ đi, máy bay có lịch đó chắc gì đã bay. Đứng chờ đợi gặp mấy bạn người Trung Quốc tới hỏi thông tin, nghe bảo hôm qua Sky Airline đã hủy chuyến chuyển sang hôm nay, mấy bạn mua lại vé của hãng Latam hôm nay lại hủy, trong khi ngày mai mấy bạn có chuyến bay về Mỹ, tình hình coi bộ nan giải. Có vẻ để đi được Patagonia thì phải cần rất nhiều thời gian hoặc rất nhiều tiền. Kỳ này Latam hủy chuyến còn cùi hơn Sky Airline, đứng chờ hai tiếng đồng hồ thì chuyến bay tự động đổi thông tin qua ngày hôm sau. Hỏi nhân viên thì được biết với lý do do thời tiết nên không cung cấp bất kỳ sắp xếp đền bù nào cả, khách hàng tự lo chuyện ăn ở đi lại. Hôm trước mình thấy Sky Airline bị hủy nên nghĩ chuyển qua mua Latam có khi an toàn nhiều chuyến bay hơn, ai dè tình hình cũng không khá khẩm hơn miếng nào mà dịch vụ còn tệ hơn. Mà vui hơn là chuyến của mình và một chuyến khác của Sky Airline trong cùng tầm khung giờ bị hủy với lý do máy bay không hạ cánh được phải quay ngược lại Puerto Montt, nhưng sau đó đến cỡ 17:00 thì có một chuyến khác của Sky Airline hạ cánh. Hỏi nhân viên Latam sao hãng khác hạ cánh được mà máy bay tụi bây lại không hạ cánh được thì bạn đó chịu không biết lý do.

Chuyến bay ngày hôm sau được scheduled lúc 15:40, cỡ hơn 14:00 mình có mặt sân bay check-in được một lúc thì nghe thông báo một chuyến khác của Sky Airline lại hủy. Không lẽ có những hành khách ba ngày trời vẫn chưa bay ra được khỏi đây. Ngồi chờ đợi chuyến của mình trong một tâm lý hồi hộp không biết liệu rằng máy bay có hạ cánh được không. Ở đây chiều chiều có một chị gái mặc chiếc áo bảo hộ dạ quang, đi tới đi lui để bán vé transit về trong trung tâm thành phố. Ngành kinh doanh này có vẻ hợp lý với tình trạng bà con cứ ngày ngày đi ra sân bay rồi đi về. 15:00 có thông tin máy bay đang không hạ cánh được, phải bay vòng vòng, chuyến bay delay qua 16:05 với tinh thần là nếu không đáp được thì nó có thể bay qua Punta Arenas đáp rồi bà con đi xe buýt qua đó để bay. 17:00 có thông tin chuyến bay chính thức hủy rời sang hai ngày sau. Trong khi qua ngày thứ ba mình sẽ có hai chuyến bay nữa để qua Calama, nó mà trễ tiếp thì coi như tiêu. Lại xếp hàng lên hỏi thông tin, hỏi nó giờ cho tao về thẳng Santiago được không, mai tao xuống Punta Arenas bay cũng được. Tuy nhiên bạn nhân viên hãng bay giải thích là hiện giờ chỉ có một số ít ghế dành cho những trường hợp ưu tiên như có chuyến nối tiếp hôm sau hoặc bệnh hoạn, gia đình có người mất. Họ không thể giải quyết cho tất cả các trường hợp, tuy nhiên là Latam sẽ bao ăn ở đi lại cho đến khi nào bay được. Mình vẫn lo lắng hỏi nếu hai hôm sau không bay được nữa tao sẽ lỡ chuyến tiếp theo thì làm sao, bạn ấy hứa là sẽ thay đổi các chuyến bay tiếp theo của mình dù cho của hãng khác vì đây là do điều kiện thời tiết nên các hãng bay có nguyên tắc phải phối hợp với nhau.

Thế là ngồi chờ thêm chừng 1-2 tiếng, các bạn lấy thông tin rồi sắp xếp khách sạn, xe đưa về khách sạn. Ngồi chờ lại gặp mấy bạn Trung Quốc bị hủy chuyến hôm trước, xem như họ đã bị hủy ba ngày liên tục. Nghe nói họ được sắp xếp sáng hôm sau đi xe buýt xuống Punta Arenas để bay về Santiago rồi bay qua Los Angeles. Ngày hôm nay thì thấy bên hãng Sky Airline không có sắp xếp gì cho hành khách, mọi người đứng lại xếp hàng la ó cũng yêu cầu được đi về Punta Arenas nhưng có vẻ không được, không biết kết quả cuối cùng ra sao. Nói chuyện với hai bạn khác cũng bay về Los Angeles vào ngày hôm sau thì thấy họ ngồi tìm chuyến bay tiếp theo miệt mài và gọi cho hãng để thay đổi chuyến bay tiếp theo. Hôm qua mới tính khen Sky Airline thì hên quá hôm nay Latam lại hỗ trợ còn Sky Airline lại đem con bỏ chợ.

Về tới khách sạn Agostini thì không có ai nói tiếng Anh. May mắn quá có một anh bạn chung đoàn cực kỳ nhiệt tình, anh cũng không nói được tiếng Anh nhưng mình sử dụng Google Translate để giao tiếp và được ảnh giải thích là lấy phòng xong thì ra nhà hàng ăn tối. Bữa tối được phục vụ đến 12:00 đêm, bữa sáng hôm sau từ 7:00 đến 10:00. Đến lúc ra ăn nhà hàng đưa cho cái menu không biết phải order như thế nào, cái gì bao gồm. May mắn quá ảnh lại nhiệt tình chạy qua giải thích tiếp là Latam sẽ trả tối đa bằng món mắc nhất trong menu 18.000 CLP nếu quá thì khách tự trả thêm. Qua trưa hôm sau thì được một bạn khác trong nhà hàng giải thích là được tối đa 20.000 CLP (dĩ nhiên là bằng tiếng Tây Ban Nha và Google Translate). Khách sạn này có đầu bếp nấu ăn khá ngon, hai ngày ở đây được thử bốn món thấy đều ngon như nhà hàng bên ngoài mà giá cả cũng mềm, một món với khẩu phần ăn bự đùng hai vợ chồng mình không thể nào ăn hết, có giá trung bình từ 12.000 đến 18.000 CLP. Lần đầu tiên được hãng bay cho đi tour du lịch nuôi ăn ở 2 ngày trời miễn phí, có điều thời tiết thấy ghê cũng không còn tour nào để book đi chơi nữa nên chỉ quanh quẩn ăn ngủ khách sạn rồi tranh thủ làm hồ sơ giấy tờ.

Hôm trước tới đây ban đầu tính book tour trekking Torres del Paine Base, đi 21 km đến lưng chừng núi của cái con Horns hay Towers. Mà nghĩ tới lui thấy trang bị không đầy đủ, sức khỏe không đảm bảo nên không dám đi, mà thật, đi gặp thời tiết như vầy không biết lết được tới đâu. Ở đây tuyết rơi trong tầm từ tháng 6 đến tháng 8 mà mình đi đúng vào cuối tháng 6. Nếu đẹp thì nên đi vào khoảng tháng 11-12, là mùa hè ở đây. Tuy nhiên mình đọc review trên mạng thì thấy có vẻ khá đắt đỏ có mấy bạn đi xuống đây hết tầm 2000 USD, riêng cái tour W hay O circle là cũng 500-700 USD/tour rồi, được cái đi trek 4-5 ngày, ở luôn bên trong National park.

Ngày ra sân bay 11:00 trả phòng, 12:00 có xe đến đón, chuyến bay lúc 15:40, ra tới nơi quầy còn chưa mở, nhân viên sân bay còn chưa xuất hiện. Ở đây với tình hình bay lác đác kiểu này hình như nhân viên cũng chỉ cần làm việc từ trưa đến tối. Ngày hôm nay bầu trời có vẻ xanh trong, nắng ấm và cầu vồng xuất hiện xa xa phía chân trời mang đến một niềm hy vọng chuyến bay thành công.

Cuối cùng rời khỏi được Natales sau 3 ngày chờ đợi dài mòn mỏi, nâng tổng số thời gian ở đây lên được 10 ngày.

Puerto Montt: có duyên nên nhất định sẽ gặp

Sau một tiếng rưỡi bay mình đã hạ cánh xuống được sân bay Puerto Montt, may quá sân bay này có vẻ lớn hơn, nhìn tướng thì chắc khó có cái kiểu không hạ cánh được liên tục giống Natales. Lấy hành lý xong ngồi tìm khách sạn và bắt Uber đi về. Được cái bên này khách sạn book last minute cũng có đầy, giá cả cũng không đến nỗi nào, mình đặt Hotel Le Mirage gần 40 Euro một đêm ngay trung tâm để thuận tiện sáng hôm sau bắt xe đi ra sân bay. Chuyến bay của mình lúc 06:15 qua Santiago rồi chiều sẽ bay tiếp qua Calama.

03:00 sáng dậy lục tục đánh răng rửa mặt rồi xuống đi Uber ra sân bay mà quên không check email. Ra tới nơi nhìn bảng điện tử thấy chuyến bay đã hủy dời sang ba ngày sau, thông tin được gửi lúc nửa đêm mình đang ngủ. Thật tình cái đất nước gì đâu mà chuyến bay nào cũng hủy, ba chuyến nội địa mình đi đến giờ chưa có chuyến nào suôn sẻ. Chỉ ước phải chi mình ở lại khách sạn ngủ một giấc cho thẳng cẳng rồi dậy ăn sáng chứ giờ ra sân bay vật vờ, giờ book chỗ mới ở thì đã đến giờ có thể check-in đâu. Chờ một hồi mới có nhân viên của Sky Airline xuất hiện, hỏi có chuyến nào để đổi sớm hơn không thì không có, hãng cũng chẳng lo ăn ở đi lại gì hết - tự xử. Thế là nằm co ro trên ghế sân bay chờ trời sáng, chờ apartment người ta trả lời xem khi nào mình tới được. Chờ hai tiếng sau bên apartment trả lời không cho check-in sớm được rồi lại cũng chẳng xuất hóa đơn, hỏi tới hỏi lui nó kêu thôi mình cancel đi. Thế là thôi quay lại Le Mirage ở cho an toàn. Về tới nơi check-in gặp chị chủ khách sạn thấy tên mình mới ở đêm hôm trước, giải thích lằng nhằng cho chị hiểu là mình bị máy bay cancel phải quay về ở tiếp ba đêm. Thế là chị đưa cho cái phòng mới vì phòng kia chưa dọn, xong chị còn hỏi tụi mình ăn sáng chưa, rồi mặc dù đã dọn dẹp hết xong vẫn vô kêu nhân viên làm bữa sáng cho mình. Đang buồn bực cái thằng Sky Airline về gặp chị chủ thấy dễ thương gì đâu, thấy đúng là đất nước này operation thì tệ nhưng ít nhất có con người níu chân mình lại.

Ăn sáng xong lên ngủ bù một giấc lấy sức chiều lại đi khám phá phố phường. Sau mấy lần hủy chuyền từ Natales qua tới Puerto Montt thì cuối cùng mình lại có đủ 3 ngày dành cho Puerto Montt rồi, duyên trời định mà!

Buổi chiều mình đi ra Tourists information tính hỏi tour để hôm sau đi núi lửa thì được bạn nhân viên ở đây hướng dẫn xuống Bus Station cách đó khoảng 1 km sẽ có tour agency. Xuống tới Bus Station đi tới lui dòm ngó thì thấy có hai cái agency tour du lịch thôi còn lại chủ yếu là rất nhiều hãng bus đi khắp nơi. Hai vợ chồng có lõm bõm vài câu tiếng Tây Ban Nha vậy mà vô cũng book được tour nghe người ta giải thích lịch trình từ lưa như đúng rồi. Kinh nghiệm là nên đi ra đây đặt tour trực tiếp sẽ có giá cả cạnh tranh hơn nhiều. Mình coi online trang rẻ nhất tính 28.000, ra đây chị tour agent chào mời 22.000 trả bằng cash 25.000 trả bằng thẻ cuối cùng chốt giá 20.000. Dĩ nhiên là có khó khăn chút về mặt ngôn ngữ tuy nhiên con người rồi cũng hiểu nhau thôi, lại có bạn Google Translate hỗ trợ thì lo gì. Giá tour này không bao gồm ăn trưa, vé vào cổng công viên cũng như vé tàu phà. Nếu tính tổng chi phí sau tour thì khoảng 65.000/người.

Sau khi hí hửng đặt được tour giá rẻ thì mình tiếp tục đi bộ thêm chừng 1 km về phía chợ hải sản Mercado Angelmo. Ở đây có cái chợ bé bé bán hải sản tươi sống giá rẻ, chủ yếu là xung quanh có các nhà hàng. Đi về mé cuối chợ là phía bờ biển thì bắt gặp mấy em sư tử biển nằm phơi lưng trên bờ. Đứng dòm quan sát một hồi mới phát hiện thì ra mấy em sống quanh khu vực chợ cá nên buổi chiều sẽ chờ có hải sản dư để ăn. Có cậu bé quăng cho một mớ xương cá hồi thế là em nào đang bơi cũng bu lên bờ giành nhau ăn. Chờ lâu quá mấy em tự đi lên bờ về phía cái thùng rác hải sản để tự lục luôn. Lần đầu tiên thấy sư tử biển lên bờ đi lạch bạch kế bên còn bị con chó sủa liên tục đuổi đi. Vậy mà nó có thèm sợ đâu. Nó bự như voi sợ gì con chó không bằng một góc, vừa đi vừa dừng lại kênh kênh với bạn chó. Tự nhiên thấy thích cái vùng đất này ghê, tưởng không có thời gian ở đây rồi cuối cùng trời xui đất khiến cũng ở lại và lại còn chứng kiến được đời sống thiên nhiên tự do, động vật hoang dã như mấy con thú nuôi đời thường chứ không phải là ở trong sở thú.

Buổi tối mình đến nhà hàng Club Alemán là một nhà hàng kiểu Đức. Tới nơi tưởng đi lạc vô câu lạc bộ, nhưng thực ra nó có hai khu bên trái là quán bar club bên phải là nhà hàng. Club Alemán hiện nay chủ không còn là người Đức nữa tuy nhiên decoration và một số món ăn vẫn giữ đúng phong cách kiểu Đức. Làm vô tưởng được nói tiếng Đức ai dè vẫn phải nói tiếng Tây Ban Nha.

Tour Volcan Osorno y Petrohue

Lúc chọn tour này chủ yếu vì muốn đi thử cái núi lửa và tour thì tập trung vào nature hơn là history. Nhưng đi rồi thì quả thật thiên nhiên của Puerto Montt đẹp hơn mình mong đợi. Vùng này có hai ngọn núi lửa OsornoCalbuco cao sừng sững, trên đường từ sân bay về thành phố có đoạn sẽ thấy được hai ngọn núi này ở hai bên giống như hai cái cột nhà chọc trời. Tour mình đi chủ yếu tập trung bên Osorno - các điểm tham quan chủ yếu xung quanh ngọn núi lửa nên có cảm giác từ sáng đến chiều vẫn không thoát khỏi nó. Còn Calbuco thì chỉ có những đoạn có view nhìn từ xa thôi. Osorno có đỉnh chóp nón nhọn, phủ một màu trắng xóa, nhìn xa trông cứ như núi Phú Sĩ. Lịch trình tour sẽ chở mình lên tới lưng chừng núi nơi có trạm cáp treo đi tiếp lên ngắm núi và có view panorama. Tuy nhiên hôm mình đi mây mù khá nhiều nên ở đoạn lưng chừng này chẳng thấy đỉnh đâu cả. Làm mình cứ ngạc nhiên sao hôm trước đứng xa thấy nó trắng xóa mà bây giờ leo lên đây thì thấy toàn núi đá đen. Đến lúc đi xuống khỏi nó quay trở lại bờ hồ Petrohue thì mới có view cực đẹp.

Tour tập trung lúc 08:50 sáng ở Bus Station - ngay khách sạn Ibis, điểm danh rồi 09:00 khởi hành. Sau đó bác tài kiêm tourguide sẽ chở từ Puerto Montt chạy qua Puerto Varas, khoảng cách cỡ 20 cây số. Đây là một ngôi làng nổi tiếng với kiến trúc mang đậm phong cách Đức, do những người nhập cư từ Đức định cư từ thế kỷ 19 để lại dấu ấn. Thị trấn nằm bên bờ hồ Llanquihue - hồ nước lớn thứ hai Chile, với núi lửa Osorno phủ tuyết trắng làm phông nền tuyệt đẹp — một khung cảnh như tranh vẽ. Bác tài chỉ giới thiệu mà không dừng ở đây, sau đó chạy tiếp qua Laguna La poza - một hồ nước nhỏ được bao quanh bởi rừng nguyên sinh. Tại đây du khách sẽ được lên thuyền đi qua những cây liễu rũ và vào bên trong hồ đến tận Isla Loreley - một hòn đảo nhỏ mà trước đây người Đức từng sinh sống và mở quán cà phê. Tên gọi Loreley cũng xuất phát từ một truyền thuyết của Đức. Sau khi ra khỏi Laguna La poza bác tài tiếp tục lái xe đi dọc theo con hồ Llanquihue để đến Ensenada, cửa ngõ đi vào tham quan khu vực núi lửa. Điểm dừng tiếp theo là Volcán Osorno Centro de Montaña, nơi du khách có thể mua vé để đi cáp treo lên đỉnh viewpoint hoặc thuê mướn các dụng cụ trượt tuyết và đi cáp lên khu vực skiing. Chỗ này tour dừng 40 phút nên mình nghĩ sẽ không kịp đi cáp lên rồi lội bộ xuống mà giá cáp treo cũng mắc 23.000 CLP/1 người 1 chiều, nên mình quyết định chỉ đi trek ở mấy cái đỉnh thấp thấp gần gần thôi. Điểm này coi như nằm ở lưng chừng núi lửa Osorno với độ cao 1240 m, cáp treo sẽ đi lên được hai điểm Mid-station (“Estación Primavera”) cao 1,425 m và Top Station (“Estación Glaciar”): cao 1,750 m. Còn đỉnh núi lửa thì cao đến 2652 m.

Xuống khỏi núi lửa trời bắt đầu nắng lên và mây tan dần, lúc này đỉnh Osorno mới bắt đầu hiện lên rõ rệt cao chót vót giữa trời xanh. Bác tài ghé vào một nhà hàng buffet cho đoàn ăn trưa. Ở đây tính buffet 20.000/1 người chưa bao gồm nước. Quán này có đặc sản Murta - là một loại trái cây nhìn hơi giống cherry, được pha trộn trong bia thủ công, rượu mạnh (sour) uống cũng khá ngon. Ngoài ra nó còn được làm mứt các kiểu bán cho du khách mua mang về.

Sau khi no nê bác tài chở tiếp qua hồ Petrohué rồi cho đoàn lên phà đi ngắm cảnh. Nơi đây là một cái vịnh rộng, nước trong xanh lơ, trước mặt là núi, bao quanh là rừng Valdivia và núi lửa Osorno thì nằm ngay sát phía sau — tạo nên khung cảnh thơ mộng và hùng vĩ. Điểm này theo mình là must visit vì có cảm giác như được tiếp cận với núi lửa mà lại có view bao quát. Không biết hồ nước này có phải do núi lửa đã từng phun trào mà tạo thành không tuy nhiên nó rất lớn và cùng một dòng chảy từ con sông cùng tên.

Rời khỏi hồ mình đi tiếp qua thác Petrohué. Cả hồ và thác đều thuộc về Công viên quốc gia Vicente Pérez Rosales, tuy nhiên để vào thác thì phải mua vé đi vào công viên, giá 7800/một người (expat) - local giá bằng một nửa. Thác Petrohué không quá cao nhưng nước chảy xiết qua các lớp đá núi lửa đen nhám, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ và mạnh mẽ. Phía sau là phông nền núi lửa Osorno phủ tuyết trắng quanh năm. Xung quanh thác có con đường trail cho khách đi vòng vòng mất tầm 20 - 30 phút. Đến 17:00 thì khu vực này đóng cửa, chị bán vé bắt đầu giăng dây và đi lùa khách ra. Thế là tour xem như kết thúc, bác tài chở ngược lại về trung tâm mất thêm một tiếng rưỡi. Trên đường chạy về có những đoạn lại được ngắm view hai ngọn núi lửa ở hai bên đường dưới ánh hoàng hôn buông dần trông cũng lãng mạn. Dĩ nhiên nếu mà tự đi thì chắc lại la cà dừng xe chụp choẹt nhiều hơn, hoặc đến lúc đi về ngang hồ Llanquihue có mấy điểm dừng chân ngắm hoàng hôn thế nào cũng phải tạt ngang tạt dọc.

Ngày cuối cùng ở Puerto Montt sau khi ra trung tâm thương mại đổi tiền thì mình lại tiếp tục mò lên Mirador Manuel Montt, nơi có view panorama ngắm nhìn toàn thành phố. Puerto Montt được xây dựng thành bốn tầng và đây là tầng cao nhất. Tầng thấp nhất thì nằm sát với bờ biển. Ở tầng trên cùng này từ viewpoint đi thêm khoảng 1,8 km là sẽ gặp chợ Mercado Municipal Puerto Montt, nơi bán hải sản tươi ngon và có các quầy nhà hàng bên trong chợ để du khách thưởng thức hải sản tại chỗ. Món truyền thống ở đây là Curanto - nấu theo phong cách hầm, phương thức cổ truyền là được nấu lót lá trong một cái hố dưới lòng đất tuy nhiên hiện đại thì người ta đã nấu bằng nồi lớn trong bếp. Nguyên liệu gồm có 🦪 Hải sản: vẹm, nghêu, sò, cua…🍖 Thịt: thịt heo, xúc xích (longaniza), thịt gà 🥔 Khoai tây và milcao (bánh khoai tây truyền thống).

Ăn uống ở Puerto Natales và Puerto Montt tương đối đắt đỏ, hôm nào vào nhà hàng hai vợ chồng mình cũng ăn hết 50.000 - 55.000. Ra chợ ăn hải sản rẻ nhất thì 31.000, có hôm ăn 2 tô mì ramen trong quán Nhật thì hết 27.000. Còn Bia bán trung bình 4500 đến 6000, bằng giá chai rượu vang 375ml.

Calama: Cửa Ngõ Đến Sa Mạc Atacama

Hành Trình Bay Về Phía Bắc

Chile giống như một dải băng dài ôm trọn phía tây của lục địa Nam Mỹ. Quốc gia này dài hơn 4300 km từ Bắc xuống Nam nhưng chỉ rộng trung bình 177 km từ Đông sang Tây. Phía Đông là dãy Andes hùng vĩ, phía Tây là biển Thái Bình Dương xanh thẳm. Chính địa hình trải dài này đã tạo nên những sự khác biệt rõ rệt về mặt địa lý và thiên nhiên của những vùng đất ở Chile. Phía Nam giáp với Nam Cực, cảnh sắc hoang dã, trong khi phía Bắc là sa mạc Atacama – nơi khô hạn nhất thế giới và có bầu trời sao kỳ diệu.

Ngồi trên máy bay bay ngược từ phía Nam lên lại phía Bắc thì nhất định phải ngồi ghế cửa sổ bên tay phải để ngắm nhìn dãy Andes hùng vĩ trải dài suốt chặng đường bay. Núi thì có nhiều ngọn cao hơn mây nên đôi khi cảm thấy lẫn lộn không hiểu là mây hay là tuyết, rồi thỉnh thoảng giữa một biển mây lại trồi lên một rặng núi trông như một chiếc ốc đảo giữa biển trắng. Xa xa bên kia Andes thì là Argentina rồi.

Hành trình Xin Visa Bolivia

Mình dừng chân ở Calama hai ngày để làm visa qua Bolivia. Hiện đối với người Việt Nam thì visa Bolivia vẫn còn xin trực tiếp. Thông tin trên mạng thường không đầy đủ, ban đầu mình hiểu nhầm là có thể lấy visa on Arrival. Tuy nhiên, sau quá trình xin visa thì mới thấy sẽ rất rủi ro nếu như tới biên giới mà thủ tục không đầy đủ. Đồng thời các hãng xe buýt cũng có khả năng không chờ bạn nếu visa có vấn đề.

Hiện nay, visa Bolivia sẽ cần tạo một tài khoản online trên trang web, sau đó điền form đầy đủ hết tất cả các bước. In form đó ra và cùng với các giấy tờ cá nhân, giấy tờ chứng minh tài chính, lịch trình, sau đó cầm nguyên bộ hồ sơ đến lãnh sự quán Bolivia để nộp. Mình làm trong giai đoạn form online thay đổi nên có chút lằng nhằng, chi phí xin visa cũng tăng từ 30 USD lên 50 USD. 

Trước đây, khi chưa cần đóng tiền thì form online đã tự động tạo ra mã số hồ sơ, và phải có mã này thì bên lãnh sự quán họ mới nhận hồ sơ. Tuy nhiên hiện nay, thì phải đóng xong tiền, form mới tạo ra mã. Mà nếu thanh toán online thì họ chỉ có hình thức chuyển khoản, trong khi mình không có tài khoản Bolivia để nộp trực tiếp. May mắn là khi làm thủ tục ở lãnh sự quán Bolivia tại Calama, ngân hàng để nộp tiền chỉ cách vài cái ngã tư nên đi lại cũng tiện. 

Sau hai lần ra ngân hàng, ba lần đi in, ba lần quay lại lãnh sự quán thì cuối cùng mình cũng hoàn tất được thủ tục và được cái là họ cấp visa ngay lập tức. Nhận hồ sơ xong, dán visa, đóng dấu thế là cầm passport đi về, không phải chờ đợi gì lâu, lấy được visa trong vòng ba tiếng đồng hồ. Chủ yếu là hồ sơ phải đúng như mình nói: thứ nhất, trên đơn xin visa phải có đầy đủ mã; thứ hai, phải đóng tiền và có xác nhận debit note đã đóng xong tiền để nộp cả trực tiếp và upload online. Nhân viên lãnh sự quán thì được cái nhiệt tình hướng dẫn, nếu không có cản trở về mặt ngôn ngữ thì có thể hỏi kỹ quy trình một lần không phải đi tới đi lui và mình có thể đã làm nhanh hơn.

Đến San Pedro de Atacama

Ở Calama mình thuê xe của hãng Chilean, lấy xe tại sân bay. Chiếc Hyundai Creta full insurance bốn ngày hết 200€, cộng thêm tiền đặt cọc hơn 600€, đi bốn ngày tốn thêm 50€ tiền xăng. Sau đó, mình chạy một mạch 90 km, cỡ một tiếng rưỡi là xuống tới San Pedro de Atacama, nơi tập trung các điểm tham quan của khu vực này.

Đường đi từ Calama xuống San Pedro de Atacama hai bên chỉ toàn là hoang mạc không một bóng cây, không một bóng người. Xa xa là núi, thỉnh thoảng thấy có cái miếu dựng lên có hoa và thánh giá nhìn làm liên tưởng mấy cái miếu bên đường ở Việt Nam ở mấy chỗ có tai nạn xe xong người ta dựng lên. Nhìn cảnh giống như trong phim Mỹ, chạy xe đường dài từ bang này qua bang khác đơn độc một mình. May mắn là đi có 90 km chứ đi mấy trăm km hay ngày này qua ngày khác chắc chán chết.

Trước khi đến làng San Pedro de Atacama còn tầm chục cây số thì có một viewpoint nhìn xuống thung lũng khá đẹp. Gần đó cũng là điểm mà ngày hôm sau mình đã dừng lại để ngắm hoàng hôn.

Thị trấn San Pedro de Atacama là một ngôi làng đất đỏ, đường đất với con đường chính đi qua các khu chợ. Làng khá nhỏ, đường đất bụi mịt mù, nhà xây đất đỏ, màu rất đặc trưng của những vùng sa mạc. Thị trấn là một thung lũng nằm lọt thỏm, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi đá đỏ, những rặng canyon.

Mình ghé vào quán San Antonio ăn trưa trước khi về lấy phòng. Ở đây có bán set menu ba món giá 7000 CLP rẻ dã man, ăn không hết mình còn gói về. Tối hôm sau đi chơi về mình cũng quay lại đây để mua đồ ăn đem về. Nhìn chung thì ăn uống ở vùng San Pedro de Atacama khá rẻ, có khá nhiều quán cũng bán set menu toàn dưới 10.000. Tính ra là rẻ nhất trong toàn bộ hành trình Chile của mình.

Mình ở tại Vientos San Pedro nằm ngoài rìa cách trung tâm thị trấn chừng ba cây số. Tuy nhiên, do có xe nên đi lại cũng thuận tiện và được cái ở đây xa rời thị trấn nên không bị ô nhiễm ánh sáng. Vào buổi đêm có thể ngắm bầu trời sao tuyệt đẹp – không cần phải đi tour stargazing nữa. Chỗ này có phòng đôi và có Mobihome. Lại có bếp chung (shared kitchen) nên ăn uống cũng thuận tiện, buổi tối đi chơi về có thể mua đồ ăn về hoặc thích nấu nướng gì cũng được. Máy giặt thì tính 10.000 CLP/lần giặt mà được cái họ giặt cho mình, xếp lại gọn gàng cũng khỏe. Do ở ngoài rìa và ngày nào cũng đi chơi từ sáng đến tối nên hầu như mình rất ít khám phá trung tâm thị trấn, mỗi ngày chỉ tạt ngang vào siêu thị mua đồ đem theo. Có mỗi hôm cuối cùng vào uống ly cà phê phải parking và đi bộ một đoạn thì mới phát hiện trung tâm thị trấn cũng đông vui nhộn nhịp, khách du lịch vô cùng đông đúc.

Mà cái thị trấn này cũng lạ không hiểu sao chẳng ai làm đường, cứ để đất đỏ bụi bay mù mịt. Trong khi từ Calama về đây thì đường cao tốc khá đẹp xe chạy bon bon 100km/h. Chỉ bị mỗi cái khúc cửa ngõ vô thị trấn. Làm như để nguyên đất đỏ thì người ta mới phát hiện đây là thị trấn sa mạc không bằng.

Khám Phá Sa Mạc Atacama: Hẻm Núi, Hồ Muối và Hoàng Hôn Huyền Ảo

Ngày hôm sau mình đi vào Valle de Catarpe để đến Quebrada Chulacao hay còn gọi là Devil's Throat. Trước khi vào thung lũng thì sẽ có một điểm dừng để mua vé và có nhân viên hướng dẫn cách đi cũng như điểm tham quan. Mình đánh giá cao tất cả các khu tham quan ở vùng này đều có nhân viên hướng dẫn, chỉ trên bản đồ để du khách hiểu có những đoạn đường nào có thể đi được hoặc các điểm nên dừng lại để ngắm cảnh. Tất cả các điểm tham quan đều bán vé vào cổng, mắc rẻ khác nhau từ 5000 - 10.000 - 15.000 - 35.000 CLP. Vé vào Valle de Catarpe là 5000, theo mình là quá rẻ so với vẻ đẹp của nó.

Sau khi mua vé xong thì mình chạy thêm chừng 3 km theo con đường dọc con suối là đến khu vực đậu xe để đi vào Chulacao. Bên trong Chulacao có thể đi vào bằng xe đạp hoặc đi bộ, quãng đường ra vào hết tổng cộng 7 km. Mình thì thấy đi bộ cũng hay, ngắm nghía được nhiều điểm, chụp choẹt được nhiều hơn. Tuy nhiên nếu đi bộ từ cổng mua vé vào thì khá xa nên ít nhiều sẽ cần phải có phương tiện đi lại.

Quebrada Chulacao (Hẻm núi Chulacao), hay còn được biết đến với cái tên ấn tượng là "Garganta del Diablo" (Họng Quỷ), là một hẻm núi hẹp và ngoằn ngoèo nằm trong dãy núi Muối, thường được coi là điểm nhấn chính khi khám phá Valle de Catarpe.

Chulacao làm mình ngạc nhiên bởi những hẻm núi, những dải canyon hùng vĩ, những con đường đi bộ xuyên qua hẻm núi. Hẻm núi này được hình thành từ những vách đá cao, uốn lượn với những đường cong và hình dạng "rắn bò" do sự xói mòn của nước và các khoáng chất dễ uốn. Đi bộ hoặc đạp xe qua đây mang lại cảm giác như đang khám phá một mê cung tự nhiên hoặc lạc vào một cảnh phim viễn Tây. Thôi coi như đi Chile rồi thì không qua Mỹ để ngắm Grand Canyon cũng được. Mặc dù canyon ở đây không có nhiều màu, nhưng nghe đồn canyon bên Bolivia thì cũng đầy màu sắc.

Đi bộ tầm 3 km ra khỏi hẻm núi là đến ngọn núi Devil’s Throat nơi có viewpoint ngắm toàn bộ khu vực, nơi có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh dãy núi Andes hùng vĩ và núi lửa Licancabur ở phía xa. Chỗ này thì phải leo lên tầm 20 phút để lên đỉnh. Leo xong mới thấy khá mất sức mặc dù ngọn núi chỉ thấp thấp thôi. Do khu vực này đã đang ở độ cao trên 2400m rồi nên không khí loãng. Mình leo mà tim đập nhanh, thở hổn hển, làm thắc mắc không lẽ lâu ngày không vận động nên yếu sức đi chăng. Nhưng mà mấy tháng nay đi du lịch ngày nào cũng đi bộ miệt mài mà. Mình ra khỏi Chulacao mất cỡ 3 tiếng sau đó lấy xe chạy thêm tầm 2-3 km để lên tới nhà nguyện Iglesia de San Isidro. Điểm này thì mình thấy không đặc sắc lắm, tuy nhiên chỉ cần chạy xe tới nơi xong bước mấy bước là lên được nhà thờ, cũng không khó khăn gì nên tới check-in rồi đi ra thôi.

Lúc này đã là 1:30 chiều mà mình còn tính đi ra hồ muối Laguna Baltinache nên quyết định ghé siêu thị mua đồ ăn qua loa rồi chạy xuống cho kịp. Laguna Baltinache còn được gọi là "Bảy Đầm Phá", là một quần thể hồ muối độc đáo nằm trong sa mạc Atacama. Quãng đường ra Laguna Baltinache gần 60 km đi khoảng 1 tiếng 20 phút. Có 8 km cuối cùng đường khá xấu nên phải chạy chậm. 

Khu vực này có bảy chiếc hồ muối nằm chơ vơ giữa hoang mạc rộng lớn, trong đó hồ thứ bảy khá lớn và có thể xuống tắm. Đây là một trải nghiệm nhất định phải thử khi đến vùng này vì hồ muối siêu mặn, còn mặn hơn cả Biển Chết, do có hàm lượng muối rất cao nên sẽ khiến cho bạn không cần làm gì cũng có thể nổi lềnh bềnh trên mặt nước, mang lại cảm giác vô cùng thư giãn. Tuy nhiên, nước khá lạnh, y như một chiếc hồ băng nên khách chỉ có thể xuống chừng 5-10 phút là phải lên ngay. Sau khi lên thì sẽ thấy người phủ đầy muối. 

Đây thật sự là một trải nghiệm khá thú vị, lần đầu tiên mình được tắm nước băng, nổi lềnh bềnh không cần phải bơi và sau đó thì được muối phủ đầy người y như đi spa tẩy tế bào chết. Chỉ tiếc là nó quá lạnh, không thể nào tắm lâu hơn được. Khu vực bán vé sẽ có chỗ tắm tráng cho du khách tắm lại trước khi ra về, mà nước thì cũng lạnh teo. Vé vào khu vực hồ muối hiện nay là 12.000 CLP/người. Mà công nhận địa hình ở đây lạ thật, tự nhiên nằm giữa một vùng hoang mạc rộng lớn cái có mấy cái hồ, mà lại là hồ muối. Không hiểu hồ muối đã được hình thành như thế nào?

Các hồ muối nằm giữa những cánh đồng muối trắng xóa và địa hình khô cằn của sa mạc cũng tạo nên một khung cảnh siêu thực, gần giống như một hành tinh khác. Đặc biệt nơi đây khá là biệt lập nên sẽ mang đến một cảm giác yên bình và tĩnh lặng hiếm có, là nơi lý tưởng để thoát khỏi sự ồn ào và hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ.

Trên đường về lại thị trấn, mình bắt gặp khoảnh khắc mặt trời lặn xuất hiện trên đường. Hoàng hôn ở Atacama thật là huyền ảo, có cảm giác như mình đang đi vào một thế giới khác. Bầu trời hoàng hôn là một dải màu từ xanh, vàng, cam, hồng, tím, đỏ từ phía chân trời, trong khi đó bầu trời trên cao không tối hẳn mà giữ một vẻ màu xanh xám kỳ lạ, khiến mình có cảm giác như đang ở một hành tinh khác.

Hoàng hôn Atacama huyền ảo bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa bầu khí quyển cực kỳ trong sạch và khô ráo cùng độ cao lớn của sa mạc. Theo khoa học lý giải, khi mặt trời lặn, ánh sáng phải đi qua một quãng đường dài hơn trong bầu khí quyển. Lúc này, hầu hết ánh sáng xanh bị tán xạ hết, chỉ còn lại các màu có bước sóng dài như đỏ, cam, vàng xuyên qua được. Các màu sắc này được tăng cường thêm bởi sự phản chiếu từ các địa hình đá đỏ và muối đặc trưng của Atacama, tạo nên một cảnh tượng rực rỡ, siêu thực như bước ra từ một bức tranh. Lần đầu tiên trong đời mình được nhìn thấy một hoàng hôn lạ lùng đa sắc đến như vậy.

Thiên nhiên ở Atacama với mình là một thế giới siêu thực – nơi không hình ảnh nào có thể ghi lại được hết vẻ đẹp siêu thực ấy. Những con đường chạy giữa hoang mạc không một bóng người với địa hình đất đá mang đến cho mình một cảm giác như đang ở một hành tinh nào khác không có sự sống. Hỏi sao vùng này nó còn có mấy cái công viên mang tên thung lũng mặt trăng hay thung lũng sao Hỏa. Địa hình quả thật không sai so với tên gọi. Cảm giác thiên nhiên thật là rộng lớn, hoang dã và con người thì thật là nhỏ bé.

Một điều kỳ lạ nữa là khi đang đi giữa sa mạc, tự nhiên có một cái xác xe (Magic car), một chiếc khung xe hơi không biết vì sao xuất hiện.

Khám phá Lagunas Altiplánicas và Piedras Rojas

Ngày tiếp theo mình tiếp tục khám phá khu vực phía Nam với hai điểm đến là Lagunas AltiplánicasPiedras Rojas. Hành trình ngày hôm nay đi gần 300 km lại lên độ cao hơn 4000 m nên khá là mất sức, đến cuối ngày đi về là rã rời chỉ có tắm rửa đi ăn rồi leo lên giường ngủ.

Sa mạc Atacama ở Chile là một kho báu của những cảnh quan siêu thực, và quần thể hồ muối cùng núi lửa ở độ cao lớn này chắc chắn sẽ khiến bạn kinh ngạc. Từ trung tâm thị trấn San Pedro de Atacama đi đến trạm soát vé để đi vào khu vực công viên là khoảng 100 km. Sau đó từ trạm soát vé đi đến Miscanti là 27 km. Vé cần được mua trước trên online, tới trạm kiểm soát họ sẽ điền thông tin và đưa cho mình biên lai để đem qua hai khu vực tham quan. Tại đây sẽ có người soát vé mới cho vào. Lưu ý ngay tại điểm tham quan thì không bán vé nên nếu không mua trước và dừng ở trạm kiểm soát ban đầu thì sẽ không vào được.

Trên đường đi mình bắt gặp những chú la mặt mũi ngơ ngác băng qua đường trông thật dễ thương rồi thỉnh thoảng lại là những đàn lạc đà Nam Mỹ gặm cỏ hoặc chạy cong đít. Trên đường đi còn bắt gặp khá nhiều bảng hướng dẫn các loại thú hoang dã nhưng không phải con nào mình cũng gặp hết.

Từ đường quốc lộ chính sẽ có một tấm bảng hướng dẫn rẽ trái để đi vào hồ Lagunas MiscantiLaguna Miñiques (Lagunas Altiplánicas). Tuy nhiên, phải để ý một chút vì nếu không lưu ý sẽ chạy qua mất tấm bảng hướng dẫn này. 2 "hồ chị em" này thuộc về Khu bảo tồn Quốc gia Los Flamencos, ở độ cao hơn 4200 mét so với mực nước biển, được bao quanh bởi các ngọn núi và núi lửa hùng vĩ của dãy Andes.

Laguna Miscanti là hồ lớn hơn trong hai hồ, có hình trái tim độc đáo và được bao bọc bởi ngọn núi lửa Miscanti với đỉnh phủ tuyết. Laguna Miñiques: Nằm ngay cạnh Miscanti và được ngăn cách bởi một con đường nhỏ hẹp, Laguna Miñiques nhỏ hơn và có hình dạng tròn hơn. Nó được bao quanh bởi núi lửa Miñiques. Tại đây mình bắt gặp đàn vicuñas (một loài lạc đà Nam Mỹ hoang dã) đang nhởn nhơ gặm cỏ.

Rời khỏi Lagunas Altiplánicas mình quay lại đường chính rồi tiếp tục chạy thêm chừng 20 km để đến Piedras Rojas.

Đây là một khu vực độc đáo với những khối đá núi lửa màu đỏ sẫm được tạo hình bởi quá trình oxy hóa của sắt và đồng trong khoáng chất. Những tảng đá đỏ rực rỡ này nằm rải rác quanh một đầm phá muối nhỏ màu xanh ngọc lam (một phần của Salar de Talar), được bao quanh bởi những ngọn núi lửa cao chót vót. Sự kết hợp của màu đỏ, xanh lam và trắng của muối tạo nên một bảng màu ấn tượng, gần như không có thật.

Piedras Rojas cũng nằm ở độ cao khoảng 4.200 mét, xa hơn và biệt lập hơn so với Lagunas Miscanti và Miñiques, mang lại cảm giác hoang dã và nguyên sơ hơn.

Cả ba địa điểm này đều nằm ở độ cao hơn 4200m, nên bắt đầu từ đây mình có cảm giác say độ cao. Đi xuống dốc không sao nhưng khi đi ngược lên dốc thì thở không nổi, tim đập loạn xạ. Sau đó lên xe là bắt đầu cảm thấy đau đầu, buồn ngủ, ngáp liên tục. Mặc dù mình đã trang bị đầy đủ trang phục ấm áp, chống gió, mũ, kính râm và kem chống nắng. Vậy mà đến lúc về vẫn cảm thấy rát rang cả mặt. Mấy bữa giờ ở Calama/San Pedro de Atacama độ cao 2200 - 2400 mét tưởng đã thích nghi được rồi, ai dè lên đến độ cao hơn 4000m quả là một thử thách. (Kiểu này thì làm sao đi được Everest nhỉ?)

Mars Valley / Death Valley (Valle de Marte / Valle de la Muerte)

Sau một ngày dài hôm trước khá mệt thì hôm nay mình quyết định đi khám phá gần gần thôi. Cách trung tâm thị trấn 2 km là Thung lũng Mars (Valle de Marte), còn được biết đến với tên gọi Thung lũng Chết (Valle de la Muerte). Nơi đây mang đến một cảm giác như đang lạc vào một hành tinh khác, đúng như cái tên của nó.

Thung lũng này nằm trong Dãy núi Muối (Cordillera de la Sal). Tên gọi "Thung lũng Chết" xuất phát từ truyền thuyết rằng xưa kia, bất cứ ai dám băng qua thung lũng này đều có thể bỏ mạng vì sự khắc nghiệt của nó, với những mảnh xương động vật hoặc thậm chí là người có thể được tìm thấy. Tuy nhiên, cái tên "Thung lũng Sao Hỏa" (Valle de Marte) lại mô tả chính xác hơn vẻ đẹp địa chất độc đáo của nó.

Điểm đặc trưng nhất của thung lũng này là những hình thái địa chất kỳ lạ và độc đáo được tạo nên từ đá, cát và muối. Các khối đá tự nhiên được gió và thời gian bào mòn tạo thành những hình thù kỳ quái, cùng với những cồn cát khổng lồ và các lớp muối trắng xen kẽ, tất cả tạo nên một cảnh quan có màu sắc từ nâu đỏ đến cam cháy, gợi nhớ mạnh mẽ đến bề mặt của Sao Hỏa. Nơi đây có Cồn cát khổng lồ (Duna Mayor), nơi du khách có thể thử sức với môn trượt cát (sandboarding).

Thiên nhiên thật là kỳ vĩ mà nhiều khi ngôn từ không có lời nào có thể miêu tả được hết.

Đi lên viewpoint của thung lũng Sao Hỏa nhìn xuống phía thung lũng làng San Pedro và những dãy núi đất đỏ, tự hỏi liệu sao Hỏa có địa hình giống như vậy chăng, tự hỏi liệu có ngày mình sẽ khám khám phá sao Hỏa chăng. Phía sau viewpoint, hướng qua bên kia là thung lũng mặt trăng nơi có những dải đất đá núi màu trắng kỳ lạ.

Giống như Thung lũng Mặt trăng (Valle de la Luna) gần đó, Mars Valley cũng mang đến những khung cảnh hoàng hôn ngoạn mục. Khi mặt trời lặn, ánh sáng chiếu vào các tảng đá và cồn cát, tạo ra những sắc thái màu sắc và bóng đổ liên tục thay đổi, làm tăng thêm vẻ huyền ảo cho phong cảnh. Tuy nhiên lúc xuống khỏi cồn cát thì còn khá sớm nên mình quyết định quay lại thị trấn uống cà phê chờ đến 05:30 chiều thì lên đỉnh viewpoint (nằm ngay gần Mars valley) ngắm hoàng hôn sau. Khung cảnh hoàng hôn quá kỳ diệu của ngày hôm trước khiến mình quyết định phải lên đây chứng kiến nó một lần nữa, tận hưởng một lần nữa vẻ đẹp siêu thực của thiên nhiên. Do ngày này không gấp gáp để bắt lấy những tia sáng cuối cùng của mặt trời nên mình phát hiện có rất nhiều tour du lịch đã dừng chân ở đây, mỗi đoàn dựng lên một cái bàn uống cocktail rồi chờ hoàng hôn xuống thật chill. Coi bộ tour tổ chức cũng tốt mặc dù mình không đi vì đã có xe riêng tha hồ lượn.

Rời San Pedro de Atacama mình bỗng thấy hình như năm ngày vẫn còn chưa đủ, vẫn còn khá nhiều điểm chưa kịp đi, nếu ở lại thêm 2-3 hôm thì chắc là lịch trình vẫn còn dày đặc. Trở về Calama mình trả xe ở sân bay rồi quay về trung tâm ngủ một đêm sáng hôm sau bắt xe bus lúc 06:00 sáng để đi qua Uyuni, Bolivia.

Ngày này mới phát hiện trung tâm Calama cũng đông đúc nhộn nhịp, chợ búa, cửa hàng hoạt động khắp nơi. Có lẽ hai hôm đầu tới đây bận rộn giấy tờ lại ở khách sạn hơi rìa một chút nên mình chưa kịp cảm nhận được nhịp sống nơi này. Tuy nhiên Calama vẫn đem đến cho mình một cảm giác thiếu an toàn bởi các cửa hàng, cửa hiệu có rất nhiều nơi đóng bọc song sắt. Các cửa hàng tạp hóa chỉ để chừa một cái lỗ để giao dịch buôn bán. Lại còn đọc review trên Google Maps có một số siêu thị khách bị cướp hoặc trộm đồ để trên xe nên thật sự vùng này chỉ có thể là một nơi dừng chân, trung chuyển.

 

Tuesday, July 15, 2025

Ma-rốc: Chuyến Đi của Những Khám Phá Bất Ngờ và Hương Vị Xứ Phi Châu


Marrakech: Những Cảm Nhận Đầu Tiên Về Thành Phố Đỏ

Bạn có cảm nhận thế nào khi đến với Marrakech? Tôi đang ngồi ở quảng trường Jemaa el-Fnaa. Khi mặt trời tắt nắng, âm thanh buổi chiều vang lên, một sự xáo trộn ồn ào giữa nhiều loại nhạc cụ, tiếng người, tiếng kèn, tiếng trống, tạo ra cảm giác gì đó hơi vội vã. Nó vui nhưng giống như một sự thôi thúc. Và sự lộn xộn của các âm thanh hòa vào nhau, như một sự hỗn tạp, nhưng cũng có thể là những bản nhạc đang vang dần lên để kết thúc một ngày ở thành phố đó.

Quảng trường mang đến một cảm giác có chút yên bình vào buổi sáng nhưng lại quá xô bồ vào buổi chiều. Hình như mình vẫn chưa quen với sự đông đúc này nên buộc phải ngồi lại đây nhìn người ta qua lại. Các khu chợ mọc quanh Medina, trung tâm phố cổ của Marrakech, mang đến cho bạn cảm giác lạc lối: cứ đi hết con đường này lại qua con đường kia. Hình như cả khu phố cổ này người ta đều làm ăn buôn bán. Nó mang lại một cảm giác bình dân, dễ chịu nhưng cũng hơi mất sức cho những con đường bày bán hàng hóa không có sự chấm dứt.

Mặt trời lặn khá trễ, vào 8:30 tối rồi mà dòng người vẫn cứ tấp nập, chẳng rõ người ta đã ăn tối chưa hay vẫn còn bận với những cuộc mua sắm. Marrakech trông có vẻ vẫn còn bảo thủ hơn một chút khi đàn ông vẫn đa số mặc áo choàng dài, phụ nữ vẫn trùm kín đầu. Trang phục truyền thống khá phổ biến, đôi khi mình cũng có cảm giác e ngại khi mặc quần soóc đi lại trong trung tâm phố cổ.

Sau một chuyến bay dài hơn bốn tiếng từ Berlin, mình đến với trung tâm Medina trong phố cổ Marrakech vào lúc 1:00 sáng. Phố phường đã đi ngủ, chỉ còn lác đác vài cậu thanh niên vẫn còn tụ tập trên chiếc xe máy ở những con phố nhỏ. Medina thật là kỳ diệu với những ngõ nhỏ nối liền nhau, và vì Google Maps không có định vị chính xác, mình đã lạc lối trên con đường đi tìm chỗ trú ngụ đêm nay. May mắn là bạn host đã dặn trước cho số điện thoại nên không biết đường thì gọi bạn ấy dắt về tận nơi. Nếu dùng maps của Apple thì định vị chính xác hơn chút.

Do chuyến bay tới lúc nửa đêm và là ngày đầu đến đây nên mình đã đặt dịch vụ đón tại sân bay, đưa về khu trung tâm khoảng hơn tám cây số, giá qua Booking.com là hơn 14 Euro nếu đặt trực tiếp ở khách sạn thì là 20 Euro. Nếu đến nơi vào ban ngày thì chắc là rẻ hơn một chút và sẽ dễ dàng hơn trong việc cứ ra ngoài rồi gọi taxi. Tuy nhiên, taxi ở đây hình như không chạy theo km. Hôm cuối cùng ở Marrakech mình bắt taxi đi từ khách sạn ra bến xe buýt ngay kế bên trạm tàu, khoảng cách chừng hơn 3 cây số, bạn taxi đòi 100 Dirham, mình trả giá 50 Dirham thế là đi.

Riad là một kiểu nhà truyền thống của Ma-rốc với các căn phòng được thiết kế xung quanh một khu vườn nhỏ nằm chính giữa nhà, nơi có chiếc bàn ăn, những tán cây và một đài phun nước nho nhỏ. Đến với phố cổ thì hẳn là nên trải nghiệm ở một cái riad thay vì những khách sạn hiện đại để cảm nhận cuộc sống của người dân ở đây.

Thời tiết ở Marrakech cuối tháng 5 đã bắt đầu nóng, nhiệt độ 30-31 độ C khiến mình khá mất sức sau một buổi sáng lạc vào những khu chợ với cái nắng đầu mùa như thế này. Không hiểu những ngày tiếp theo mình có sống sót nổi ở châu Phi không?!


Giá Cả và Ẩm Thực tại Marrakech

Trước khi đến Marrakech, mình không nghĩ rằng vật giá ở đây lại rẻ đến vậy. Lúc đặt khách sạn thì cũng thấy giá hơn 40 Euro một đêm. Tuy nhiên, khi đến nơi, mình mới thấy giá ăn uống rất phải chăng. Chui vào những quán bình dân, một đĩa thập cẩm đầy đủ các món với cơm, các loại thịt (bò, gà, xúc xích) và salad chỉ có 3,5 Euro. Tính ra tầm 100.000 Việt Nam Đồng, cũng tương đương với một bữa cơm bình dân ở Việt Nam. Mấy nhà hàng nhỏ trong chợ thì một món trung bình khoảng 50 đến 80 Dirham (MAD), tương đương với 5 đến 8 Euro. Tỷ giá tháng 5 năm 2025 là 1 Euro đổi được 10,5 Dirham. Tuy nhiên, việc rút tiền mặt ở các cây ATM sẽ có tỷ lệ tính phí khá cao, các loại phí rút tiền, phí chuyển đổi ngoại tệ cộng lại lên ít nhất là 5% số tiền rút, có cây ATM lên tới 10%. Việc thanh toán trực tiếp bằng thẻ hoặc thẻ tín dụng không phổ biến lắm, đa số sẽ sử dụng tiền mặt nên cần chuẩn bị một lượng cash đủ chi tiêu. Việc sử dụng tiền mặt đồng Euro cũng khá dễ dàng ở Marrakech, đa số các nơi đều nhận đồng Euro quy về tỉ giá chẵn 1 Euro đổi 10 MAD.

Có một điều đặc biệt ở đây là không thấy bán bia rượu gì cả, đặc biệt là trong Thành cổ. Mình đi khắp các quán mà chưa thấy quán nào có menu đồ uống có cồn. Thậm chí, khi vào một nhà hàng kiểu Tây sang trọng, họ cũng không bán rượu bia, ngoại trừ bia 0 độ. Các nhà hàng kiểu này thì giá sẽ khá cao. Chẳng hạn, ở nhà hàng Nomad, hai người mình ăn hai món chính và uống hai ly nước cam đã hết 52 Euro.

Đặc sản vùng này là món Tagine (Tajine). Món này được đựng trong một cái đĩa gốm có nắp đậy hình chóp nón, là một món thịt và rau củ hầm. Thịt có thể chọn gà hoặc bò, rau củ thì có khoai tây, cà rốt, dưa leo. Món này có thể ăn kèm với hạt couscous hoặc nếu gọi riêng thì sẽ được phục vụ thêm Khobz – một loại bánh mì tròn dày đặc trưng của Ma-rốc.


Sự Đối Lập Giữa Thành Cổ và Bên Ngoài

Marrakech có sự đối lập rõ rệt giữa bên trong và bên ngoài Thành cổ. Trong Thành cổ, kiểu nhà nhỏ, hẻm nhỏ, phố nhỏ, chợ búa và ngõ ngách khắp nơi trông có vẻ lụp xụp, cũ kỹ. Các con đường vòng quanh Thành cổ cũng tràn ngập hàng hóa buôn bán, bày đầy lề đường trông khá xập xệ, với các quầy bán đồ cũ trải dài.

Vậy mà khi ra khỏi Thành cổ, đi về phía quận Gueliz (hay còn gọi là quận Pháp), mọi thứ lại hoàn toàn khác biệt. Nơi đây có nhà cửa mới mẻ, cửa kính hiện đại, các trung tâm mua sắm và những căn biệt thự sang trọng. Các nhà hàng ở khu này đa số cũng thuộc kiểu sang trọng và đắt đỏ hơn, ít có những quán ăn nhỏ, vỉa hè giá rẻ như trong Thành cổ. Tuy nhiên, cứ chịu khó ra chợ là mình sẽ tìm được quán ăn bình dân thôi.


Ngôn Ngữ và Những Con Đường Lạc Lối

Ma-rốc từng trải qua thời Pháp thuộc nên rất nhiều người dân ở đây nói được tiếng Pháp. Thậm chí, tiếng Pháp còn phổ biến hơn tiếng Anh. Người ta thấy khách du lịch sẽ nói bằng tiếng Pháp trước, rồi thấy mình có vẻ không hiểu mới chuyển qua hỏi bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, ngoài các cửa hàng bán hàng, người dân địa phương có vẻ cũng ít biết tiếng Anh.

Những ngày ở bên trong Thành cổ, hình như mình đã bắt đầu thuộc những con đường ngoằn ngoèo nối từ khu chợ này đến khu chợ khác. Một buổi sáng xách chiếc vali đi sửa bánh xe, mình phát hiện ra rằng mình có thể đi lại con đường 3 km mà hôm trước đã đi mà không cần bản đồ. Marrakech có những địa điểm mà không thể nào bạn tìm thấy trên Google Maps. Đơn giản là phải đi qua thấy rồi, nhớ là nó có đó, rồi những con đường quanh co sẽ dẫn mình trở về lại được cái cửa hàng ấy.

Mấy cửa hàng sửa vali đơn giản chỉ là những quầy nhỏ, có khi cũng chẳng phải quầy nữa, chỉ một cái bàn là có thể hành nghề rồi. Thay cái bánh xe, anh bạn báo giá 120 Dirham. Mình trả giá còn 100 Dirham, nghĩ chắc cũng hơi "hớ" nhưng thôi kệ, lâu lâu cho người ta kiếm tiền dễ dàng chút cũng được. Chờ sửa một tiếng đồng hồ thì mình ghé qua quán cà phê Mohamed's Cafe kế bên, ngay quảng trường Place Mellah. Làm hai ly cà phê đen + cà phê sữa, được tặng thêm hai chai nước suối, tổng cộng hết 40 Dirham.

Mấy quán cà phê ở Marrakech có một điểm khá vui là chỉ toàn đàn ông, đặc biệt là mấy ông già. Lâu lâu lác đác thấy vài phụ nữ thì chỉ toàn là khách du lịch. Phụ nữ địa phương hình như họ không hay đến quán cà phê thì phải. Trên đường về khách sạn thay đồ để chuẩn bị cho chuyến đi tour chiều nay, mình ghé ngang một quán bên đường mua hai chiếc bánh mì Panini được kèm thêm hai phần khoai tây chiên ăn no căng bụng, giá chỉ có 50 Dirham.

Bên này hoang mạc nhiều nên không biết người ta có khó khăn trong việc trồng trọt lắm không, nhưng có vẻ đồ ăn cũng hơi thiếu rau. Tuy nhiên, được cái ngày nào mình cũng làm mấy ly nước cam để bổ sung vitamin. Ăn sáng ở khách sạn một ly rồi đi ăn trưa, ăn chiều thế nào cũng làm thêm 1-2 ly nước cam nữa, vì nước cam là thứ nước rẻ nhất trong các nhà hàng, được bán khoảng 15-25 Dirham. Mà được cái là cam tươi nguyên chất, chứ không phải cam hộp đâu nhé!


Trải Nghiệm Sa Mạc và Những Bất Ngờ

Buổi chiều hôm đó, chương trình của mình là đi tour sa mạc trải nghiệm cưỡi lạc đà, ăn tối, ngắm hoàng hôn và nghe ca múa nhạc. Mình đặt tour qua một agency được chào mời trên đường đi qua các khu chợ, giá 20 Euro một người bao gồm đủ các mục trên, chỉ không có chạy xe địa hình quad hay buggy.

Tour Agafay khá hài hước. Bắt đầu lúc 2:30 chiều mà xe chạy vòng vòng đón khách cả tiếng, đến cỡ 3:30 chiều mới thấy ra khỏi bức tường thành. Mình ngủ lúc nào không hay. Đến lúc ra ngoài, tài xế mở nhạc xập xình và kêu gài dây an toàn để cảnh sát bắt thì mình mới bừng tỉnh. Chạy thêm 30 phút thì xe ghé vào một quán bên đường nghỉ chân, cho uống trà bạc hà (mint tea), ăn bánh mì chấm bơ đậu phộng và dầu argan. Từ lúc lên xe đến lúc xuống, anh tour guide không thông báo lịch trình gì hết. Đến quán chỉ báo dừng lại 15 phút là xong, mình cũng không biết vào quán có gì. Vô xong có người hỏi có muốn đi coi làm dầu Argan không. Nghe đồn đây là loại dầu đặc trưng vùng này.

Sau đó, xe của tour đưa qua một lán trại tập trung để lái xe quad và cưỡi lạc đà. Xe quad là dạng xe mô tô địa hình bốn bánh chuyên dùng để chạy ở các vùng cát sa mạc. Các đoàn xe địa hình cứ lũ lượt nối đuôi nhau chạy trong bụi mù. Mình chọn cưỡi lạc đà chứ không đi hít bụi. Từng nhóm nhỏ leo lên bốn hoặc sáu chú lạc đà và có một anh dẫn đường cho mấy chú lạc đà đi bộ một vòng chầm chậm. Chương trình bảo cưỡi tầm 20 phút, nhưng nghe đồn từ các review thì khoảng 12 phút. Chồng mình đo thời gian hình như cũng cỡ đó. Mấy bạn bên này có vẻ rất thích trải nghiệm đi xe địa hình, tuy nhiên với vợ chồng mình, sinh ra lớn lên ở đất nước suốt ngày chạy xe máy nhông nhông ngoài đường rồi xe địa hình vô rừng rú cũng đi không biết bao nhiêu lần thì cũng không mấy hứng thú tham gia hít bụi cho lắm.

Sau khi cưỡi lạc đà thì nhóm chạy xe địa hình vẫn chưa về vì vòng xe địa hình mất tới một tiếng. May sao có hai khách khác cũng chỉ đi lạc đà giống mình, thế là bạn tour guide có xe đưa qua khu vực lán trại có hồ bơi trước. Lán trại này cũng là khu vực tập trung ăn tối và đốt lửa trại. Được cái ngồi ở đây ngoài view hồ bơi thì còn phóng tầm nhìn ra một vùng sa mạc đá phía trước mắt. Xa xa đằng kia hình như cũng là một lán trại khác. Có vẻ các tour đi Agafay đều sẽ tập trung quanh khu vực này, chia nhau vào các lán trại để trải nghiệm ăn tối và ngắm mặt trời lặn giữa một sa mạc rộng lớn.

Dừng chân ở đây với các đoàn tour khác nhau mới thấy là thật ra cũng khó đánh giá tour nào tốt hơn tour nào vì có vẻ cũng chỉ một kiểu: lái xe cho ra chơi địa hình với lạc đà rồi tập trung về trại ăn tối. Tóm lại là nếu đi tour thì ít kỳ vọng một chút sẽ không cảm thấy thất vọng về việc thiếu thông tin, thiếu sự giới thiệu. Cũng có thể đó là cách làm tour ở vùng này, họ không có thói quen nói về lịch sử văn hóa, họ chỉ đơn giản là cho bạn đi qua các trải nghiệm thế là hết. Mình vẫn giỡn nói rằng cũng hơi giống tour "chân dắt gà": cứ tới điểm là thả mấy "con gà" xuống, xong rồi lại lùa lên qua điểm tiếp theo thả xuống. Cho nên có tour năm tiếng, bảy tiếng hay tám tiếng thì chắc cũng không khác nhau là mấy, chơi hai trò thì mất thời gian hơn chơi một trò vậy thôi.

Lán trại chúng mình dừng thì có cái hồ bơi nhỏ, có điều nó nằm ngay chính giữa xung quanh các bàn ngồi, ai xuống bơi thì hơi giống mấy chú cá nhỏ vùng vẫy cho quan khách xem. Sa mạc Agafay là một sa mạc đá chứ không phải sa mạc cát nên địa hình cũng hơi đặc trưng. Nó không phải là những dải cát dài như mình hay thấy mà là những đỉnh đồi chập chùng, nghe nói có những mỏm đá trắng gì đó.

Đến 20:00 là tiết mục ăn tối khi hoàng hôn bắt đầu lặn. Từng đoàn tour sẽ được chia vào ngồi ở các dãy lều, sau đó có một ban nhạc đi vòng qua các bàn kêu gọi du khách đứng lên bục nhảy múa. Không khí sôi động khi các du khách hòa mình vào những tiếng kèn tiếng trống. Tầm 30 phút sau, khi ban nhạc vẫn chưa đi hết đủ một vòng thì đồ ăn sẽ được mang ra. Ban nhạc chơi thêm 30 phút nữa, đến khi du khách đã ăn xong bữa tối thì bắt đầu chuyển qua màn múa lửa. Kết thúc tiết mục múa lửa, anh trai thực hiện sẽ kêu du khách đi ra phía ngoài và thực hiện màn đốt pháo bông lửa khá đẹp. Sau đó, lần lượt đoàn người sẽ lên những chiếc xe du lịch đã đưa họ đến với lán trại này và trở về trung tâm phố cổ Marrakech. Mình trở về tới điểm Pikala Bicycle lúc 22:45. Đi bộ về khách sạn riad thấy đường xá vẫn còn đông đúc nhộn nhịp, hàng quán vẫn còn đầy người. Thật là đối lập với cảnh đường phố hôm đầu tiên mình đến đây lúc 1:30 sáng.


Chinh Phục Sahara: Tour 3 Ngày 2 Đêm Từ Marrakech

Rời khỏi những bức tường đỏ cổ kính của Marrakech, mình bắt đầu một chuyến hành trình kéo dài 3 ngày – băng qua núi non, làng cổ, khe núi và cuối cùng là hòa mình giữa đại dương cát mênh mông của sa mạc Sahara. Một hành trình khiến trái tim lạc nhịp, đôi mắt mở to và tâm hồn được đánh thức lại bằng nắng, gió, trầm tích lịch sử và cả… sự im lặng huyền bí của cát.

Một trong những lý do chính kéo mình đến Ma-rốc chính là Sahara – sa mạc lớn nhất thế giới, trải dài qua nhiều quốc gia Bắc Phi, trong đó có Ma-rốc. Ban đầu, mình định tự đi xe buýt từ Marrakech lên Merzouga. Tuy nhiên, lịch trình tự đi khá phức tạp, phải chuyển xe nhiều lần, trong khi các chương trình tour lại có giá rất cạnh tranh. Cuối cùng, mình quyết định đặt tour 3 ngày 2 đêm, và sau chuyến đi, mình thấy đây quả là quyết định đúng đắn. Nếu tự đi, chắc chắn mình sẽ không thể đến được nhiều địa điểm như vậy, trừ khi thuê xe tự lái.

Các tour Merzouga được chào bán với nhiều mức giá. Mình tham khảo trên Getyourguide thấy giá dao động trên dưới 100 Euro. Trong khi đó, dạo quanh chợ, một agency chào mời mình với giá trên brochure chỉ 70 Euro cho loại lều cơ bản (standard camp). Nếu muốn nâng cấp lên luxury camp thì giá là 110 Euro, ngoài ra còn có Royal camp cao cấp hơn mà mình không hỏi giá. Sự khác biệt giữa standard và luxury camp chủ yếu là luxury camp sẽ có toilet riêng. Tuy nhiên, bạn bán tour đã ưu ái cho mình lều standard nhưng vẫn là lều riêng, chỉ dùng toilet chung thôi. Với mình, mức giá này quá rẻ cho một chương trình 3 ngày 2 đêm bao gồm xe, khách sạn đêm đầu tiên và lều trong sa mạc đêm thứ hai, kèm cả ăn sáng và ăn tối (chỉ ăn trưa là tự túc).

Tuy nhiên, hôm đi mình mới phát hiện ra giá tour cũng dao động bất ngờ tùy thuộc vào nơi bạn đặt. Hai bạn đi cùng tour và ở cùng khu vực camping với mình đã đặt tour qua Hostel với giá 85 Euro. Ngược lại, có một cặp vợ chồng người Úc cũng đặt gói standard nhưng lại được sắp xếp đến một khu camping khác. Họ kể bên đó có máy lạnh, giường ngủ êm ái hơn, và giá họ đặt là 120 Euro.

Thông tin về sự khác biệt giá cả và tiện nghi này mình chỉ biết được sau khi hỏi han qua lại các bạn đi cùng đoàn, chứ lúc mua tour, bên agency không hề giải thích về việc các khu vực lều có máy lạnh hay không, hay giá khác nhau như thế nào. Bù lại, lúc tới camp, bạn quản lý ở đây sẽ hỏi xem hôm sau muốn đi về bằng xe jeep hay tiếp tục cưỡi lạc đà như lúc đến. Nếu đi xe jeep thì trả thêm 15 Euro một người. Thế là hai vợ chồng mình được xếp vào một cái lều có toilet riêng luôn.

Ngoài ra, các khu vực camping còn khác nhau ở chỗ cách xa đường chính bao nhiêu. Chỗ mình ở thì phải cưỡi lạc đà đi vào mất một tiếng 30 phút, còn khu vực camping có máy lạnh kia chỉ đi mất tầm 20 phút. Lúc chưa đi thì rất háo hức với việc được cưỡi lạc đà và đi sâu vào trong sa mạc, tuy nhiên sau khi trải qua một tiếng rưỡi "quá phê" trên lưng lạc đà, ngày hôm sau mình chỉ muốn đi xe jeep cho nhanh.

Cách làm tour thì cũng bất ngờ không khác gì chương trình Agafay mình đi hôm trước. Tối hôm trước ngày khởi hành, chờ mãi vẫn không thấy tour guide liên hệ nói giờ giấc và địa điểm đón, mình cũng hơi lo lắng. Nhắn tin gọi điện cho bạn bên agency thì được bạn bảo cứ yên tâm sẽ có người đến đón. Thế là cứ chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc để đúng lịch là 7:00 sáng.

Đúng 6:50, có người gọi điện bảo ra ngoài đầu hẻm vì khách sạn mình nằm trong những con hẻm nhỏ xe hơi không vào được. Xe pick-up đón thêm hai khách nữa rồi đưa mình đến điểm tập trung, sau đó lại chuyển mình qua một xe khác. Trong lúc này cũng có nhiều xe khác nhau đi đón khách rồi tập trung lại cùng một điểm, và lên chiếc xe cùng với mình. Cả đoàn có tổng cộng 20 người. Sau khi đủ danh sách thì bạn tài xế bắt đầu chuyến đi.

Hôm nay không có một tour guide nào đi kèm, và dĩ nhiên là bạn tài xế cũng sẽ không nói gì. Lúc nào đến điểm dừng thì thông báo đi xuống cho 15 hay 20 phút gì là xong. Một phần do đã có kinh nghiệm từ tour Agafay hôm trước nên hôm nay mức độ bất ngờ cũng giảm dần, lại chỉ có một bạn tài xế nên càng hợp lý.

Cùng đoàn lên xe, bắt đầu vượt dãy núi High Atlas – cột sống đá của Bắc Phi. Xe lượn từng khúc quanh ngoạn mục của đèo Tizi n’Tichka, cao hơn 2.200 mét so với mực nước biển, mở ra khung cảnh choáng ngợp: cây ô-liu đan xen rừng thông, thung lũng như tranh, từng làng nhỏ như níu lấy sườn núi đá.

Và rồi mình dừng lại ở làng cổ Ksar Aït-Ben-Haddou – nơi thời gian như bị đóng băng. Ngôi làng làm từ đất nung đỏ, được UNESCO công nhận di sản thế giới từ năm 1987, từng xuất hiện trong những thước phim huyền thoại như Gladiator, Indiana Jones, Game of Thrones và nhiều tác phẩm điện ảnh khác.

Aït-Ben-Haddou là một ksar – một ngôi làng kiên cố được xây dựng bằng đất nện, adobe, gạch đất sét và gỗ. Các tòa nhà được nhóm lại trong một bức tường phòng thủ với tháp góc và cổng, bao gồm nhà ở, nhà thờ Hồi giáo, caravanserai, nhiều kasbahs và một kho lương thực kiên cố trên đỉnh đồi.

Tại đây, có hướng dẫn viên địa phương ghép đoàn mình và 3-4 đoàn khác để dắt đi tham quan. Hướng dẫn viên giới thiệu ngắn gọn về làng, sau đó dắt đi một vòng rồi lúc quay xuống thì bắt đầu chương trình shopping, "hù dọa" đủ kiểu để du khách mua khăn trùm đầu ngày mai ra sa mạc. Những chiếc khăn chất lượng cao được giới thiệu có giá thấp nhất từ 13 Euro trong khi mấy chiếc ngoài chợ bán có 3 Euro.

Sau đó, hướng dẫn viên dắt vào một quán ăn chuyên dành cho khách đoàn, vừa đông đúc vừa đắt. May mà mình đã đọc các review trước đó có người khuyên đi ra các nhà hàng bên ngoài ăn vừa ngon vừa rẻ hơn. Thực tế là mình đã ăn hai người chỉ hết 155 Dirham, rẻ bằng một nửa so với nhà hàng hướng dẫn dắt vào. Và dĩ nhiên, việc có hướng dẫn viên địa phương thì du khách sẽ cần trả thêm 3 Euro một người gọi là vé vào làng. Mình đi ngang qua thì có thấy một tấm bảng đề giá vé là 20 Dirham (tương đương 2 Euro).

Tối hôm đầu tiên, chương trình tour sẽ cho ở khách sạn gần Boumalne Dades. Ban đầu xe dừng ở một khách sạn nằm trên đỉnh đồi có view núi rất đẹp, nhưng sau đó thì chỉ có hai khách xuống. Hai khách này thậm chí cũng không được thông báo trước. Hỏi ra mới biết thì ra đây là hai khách đặt gói luxury nên sẽ ở khách sạn khác. Tất cả khách còn lại đặt gói standard thì đêm đó sẽ ở một khách sạn khác. Lúc đến Hotel La Gazelle du Dades, tuy không có view đẹp như khách sạn luxury nhưng nhìn chung thì mình thấy cũng ổn. Ngồi ăn bữa tối bên dòng suối kế bên vách núi thấy cũng lãng mạn.

Chương trình ngày thứ hai, sau khi tham quan Khe núi Todgha – một loạt các hẻm núi đá vôi được sông Todgha và sông Dadès tạo ra trong phần cuối cùng dài 40 km qua dãy núi Atlas. Phần cuối cùng dài 600 mét của hẻm núi là ngoạn mục nhất, nơi khe núi thu hẹp lại chỉ còn 10 mét với các vách đá cao tới 160 mét.

Sau đó, chuyến xe tiếp tục đưa bạn về hướng đông, đến gần Merzouga – cửa ngõ sa mạc. Merzouga là một ngôi làng nhỏ ở đông nam Ma-rốc, gần các cồn cát Erg Chebbi – một trong những cồn cát cao nhất ở Sahara.

Tự nhiên cả đoàn được đọc tên rồi chia làm ba nhóm mà không hiểu lý do tại sao. Sau đó, một nhóm tám người bưng hết hành lý leo lên một chiếc xe bán tải rồi chở đi. Nhóm tiếp theo bốn người lại được một chiếc xe khác đưa đi tiếp. Nhóm mình còn lại tám người tiếp tục trên chiếc xe du lịch chạy vào khu vực sâu bên trong Merzouga.

Khi bắt đầu đến ranh giới với sa mạc thì xe dừng lại và gặp một bạn chia nhóm mình thành năm người cưỡi lạc đà và ba người đi xe. Không một ai trong đoàn hiểu được tại sao mình lại được chia theo nhóm này hay nhóm kia. Hỏi thì cũng không có câu trả lời, chỉ có biết "nói thì phải làm theo thôi", giống y như đi "lùa gà". Sau ba ngày tour, mình và mấy bạn ở chung mới ngồi lại bàn luận, sau đó tự phân tích và đoán với nhau rằng lý do chia nhóm chắc là theo số tiền mà bọn mình đã trả. Tuy nhiên cũng không có câu trả lời cuối cùng đúng đắn nhất.

Ngày xuống Fes gặp một anh bạn đi du lịch một mình, cũng ngồi tám chuyện về tour Sahara thì bạn ấy cũng có một trải nghiệm tương tự như mình, bạn ấy trả 80 Euro cho gói basic và ở lều chung, toilet bên ngoài và xui là cứ mỗi lần chia nhóm thì bạn ấy một mình một nhóm rồi ghép với đoàn mới khác. Lúc nhìn hình camp của mình rộng rãi có toilet riêng bạn ấy cứ khẳng định vậy là mày được ở Luxury rồi. 

Cho nên, khi đến với Ma-rốc và muốn đặt tour đi Sahara thì tốt nhất là bạn cần phải hỏi rất chi tiết về việc: sẽ ở lều loại gì, có máy lạnh hay không, có nhà tắm riêng không, sẽ được đi vào lều bằng lạc đà hay bằng xe, nếu đi lạc đà thì cưỡi mất bao lâu. Mình nghĩ tất cả những chi tiết này có thể sẽ quyết định giá cả tour.

Ngoài rất nhiều sự hài hước trong việc tổ chức tour, thì Merzouga và các điểm tham quan trên hành trình như Todgha Gorge, Kasbah Ait Ben Haddou, Dades Gorges đều thật sự rất đẹp. Trải nghiệm một đêm cắm trại ở giữa sa mạc, được ngắm hoàng hôn và bình minh cũng thật sự tuyệt vời.

Buổi tối ở camp, sau khi ăn xong, có thêm chương trình ra đốt lửa trại, ca múa nhạc và cả những điệu nhảy vận động tập thể trước khi đi ngủ. Ban đêm ở sa mạc Sahara, khoảng 10:00 tối khi ra đốt lửa trại, thời tiết vẫn khá ấm áp. Mình được ngắm bầu trời đầy sao lung linh huyền ảo. Tuy nhiên, khoảng gần 2:00 - 3:00 giờ sáng thì có vẻ lạnh dần, nên ai dễ lạnh thì nhớ chuẩn bị thêm áo khoác nhé.

Với giá cả tour cũng như đã biết cách thức tổ chức ở đây nhờ chương trình Agafay ngày hôm trước, nên mình cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng, do đó cảm thấy cũng khá enjoy với tour 3 ngày 2 đêm này. Tuy nhiên, với những ai kén chọn về chỗ ở thì cũng phải cẩn thận một chút vì cái camp mình ở có khá nhiều mấy em côn trùng bò ra bò vô, giường thì cứng ngắc, mền thì ngứa quá nên mình không dám đắp luôn. Cái bạn người Pháp cùng đoàn mình lúc chiều dại dột hỏi anh bạn dắt lạc đà là vùng này có rắn không, được trả lời có nên ngủ không yên, sáng hôm sau còn kể tối qua tao cứ sợ có rắn nên không dám ngủ.

Trên đường đi Sahara thì có mấy lần đoàn xe được cảnh sát đứng chặn đường kêu dừng lại. Thấy tài xế bước xuống đi về phía sau xe nói chuyện không biết làm gì rồi lại đi lên. Có vẻ như không chỉ là kiểm tra giấy tờ mà còn là một thủ tục thông hành ai đó cũng hiểu.


Sự Mến Khách Của Những Người Anh Em

Trở về Marrakech sau cuộc đua trên lưng lạc đà và chiếc xe du lịch 20 chỗ 3 ngày 2 đêm rã rời, mình quay trở lại Riad cũ, ngủ một đêm thật ngon trước khi lên chuyến bus vào lúc 12:00 trưa hôm sau đi xuống Essaouira. Ban đầu mình tính đặt thêm một đêm phát sinh này qua Booking.com nhưng tìm không ra phòng do đã “sold out”. Sau đó, mình nói chuyện với bạn Walid, quản lý ở khách sạn, nhờ bạn nếu không có phòng thì cứ gửi hai chiếc vali lại rồi khi đi tour về thì đi tìm chỗ ở sau. Ai ngờ bạn sắp xếp sao đó, cuối cùng mình cũng có phòng ở. Bởi vậy ở vùng đất này, nhiều khi chịu khó hỏi han một chút sẽ có giải pháp, bởi người dân Morocco rất thân thiện. Ra đường thế nào cũng tay bắt mặt mừng, chào hỏi “Hi Brother” như thể những người anh em lâu ngày gặp lại. Rồi khi họ hỏi mình đến từ đâu, sau hàng loạt những lượt đoán Japan, China, Korean, Thái Lan và cuối cùng nghe rằng mình đến từ Việt Nam thì lại hớn hở bảo “Việt Nam very good, good tradition, nice people”. Thấy một cảm giác thật sự được chào đón khi làm dân du lịch ở đây và đặc biệt là lần này, khi mình đi du lịch thật chậm, mình cảm nhận được đời sống và con người nhiều hơn. Thay vì người ta đi một tuần 10 ngày qua tất cả các thành phố ở một đất nước thì bây giờ đến một nơi mình ở lại một tuần. Mặc dù một tuần không quá nhiều để thật sự sống như một dân địa phương nhưng cũng đủ để đi hết những hang cùng ngõ hẻm, để thấy rằng mình không cần sử dụng bản đồ cũng có thể đến được nơi mình cần đến, trở về nơi mình cần về.

Một điểm nữa khiến mình khá chú ý đó là ở Morocco, mọi hoạt động kinh doanh mua bán đa số sẽ được thực hiện bởi đàn ông, phụ nữ khá ít tham gia trong các hoạt động bên ngoài. Đi suốt 10 ngày thì chỉ có một nhà hàng kiểu địa phương là được vận hành bởi một bạn lấy order là nữ với một chị nữ khác ở trong bếp. Một nhà hàng nữa thấy cả nam và nữ phụ là nhà hàng kiểu Tây Nomad. Các quầy hàng kinh doanh buôn bán cũng đàn ông chiếm đa số, dĩ nhiên ở các vùng đất du lịch như Marrakech thì cũng có phụ nữ tham gia tại các cửa hàng buôn bán trong chợ tuy nhiên khá ít.


Ngày cuối ở Marrakech

Ngày cuối cùng ở Marrakech, trước khi lên đường đi sa mạc Sahara, mình mua vé xe buýt để ba hôm sau, khi từ Sahara trở về thì sẽ đi xuống Essaouira. Mua vé online có vẻ hơi khó khăn nên mình quyết định đi thẳng ra cửa hàng bán vé của hãng Supratours nằm bên ngoài bức tường, ngay cánh cổng Bab Doukkala. Bab Doukkala là một cánh cổng khá nhộn nhịp, nơi có các quầy hàng bán hải sản chiên và một lối rẽ đi trực tiếp vào chợ Doukkala với các quầy hàng bán thịt, xiên nướng.

Xong việc, mình ghé về Madrasa Ben Youssef tham quan. Madrasa Ben Youssef là một trường học Hồi giáo cổ kính nằm ở Marrakech, Ma-rốc, được xây dựng vào thế kỷ 14 và mở rộng vào thế kỷ 16 dưới thời nhà Saadian. Nơi đây là madrasa lớn nhất Ma-rốc, từng đón hơn 900 sinh viên học Kinh Koran. Kiến trúc của Madrasa Ben Youssef khá đẹp với rất nhiều những căn phòng nhỏ chạy dọc quanh những dãy hành lang, nơi bạn có thể đứng ở những giếng trời đón lấy ánh nắng từ phía trên. Một chiếc hồ nước ngầm ngay chính giữa tòa nhà là nơi check-in của mọi khách du lịch đến đây. Với mình, đây có lẽ là địa điểm tham quan đẹp nhất trong những ngày vừa qua.

Ghé vào một quán trên những con đường qua lại giữa các khu chợ, mình phát hiện thêm món mới là Tanjia. Đây là một loại thịt cừu hầm với táo đỏ, hành tím, hơi dầu mỡ và có vị ngọt nhẹ. Những ngày ở Marrakech, dưới cái nắng oi ả chạy quanh, việc chui vào các khu chợ có mái che cũng phần nào làm dịu bớt cái nóng nực. Cứ tầm gần 3:00 chiều khi nắng đỉnh điểm thì mình trở về riad nghỉ ngơi một chút, rửa mặt, uống thêm ít nước và có khi là một giấc ngủ trưa. Bởi người ta nói cuộc sống ở đây không vội vã, hãy cứ thong thả với thời gian và nghỉ trưa trong những ngôi nhà riad dịu mát cũng là một nét văn hóa ở đây.


Essaouira - Làng Chài Nhỏ Nơi Ngắm Hoàng Hôn Trên Đại Tây Dương

Từ Marrakech xuống Essaouira đi mất ba tiếng đồng hồ, giá vé 100 Dirham. Có các chuyến 10:45, 12:00, 14:45… mỗi ngày có chừng 6-7 chuyến chạy tuyến này. Hành lý thì ra đến bến xe hôm đi sẽ mua sau, giá vé là 6 Dirham một kiện, ba lô không tính tiền.

Buổi trưa chiều ra ngoài khu vực cầu cảng nơi có chợ cá hải sản, mình làm một con tôm hùm, một con cua lông thế là tối đó đã có một bữa hải sản chất lượng. Cảng cá tấp nập người mua bán qua lại, nơi có các quầy hàng mà bạn có thể mua hải sản rồi đem qua tiệm kế bên kêu người ta nướng lên ăn tại chỗ và trả tiền công cho họ. Tuy nhiên cũng cần phải hỏi giá cả trước vì mình đọc review thì thấy cũng có người khen người chê, có người bị "chém". Do mình thuê apartment cho nên lý tưởng nhất vẫn là mua đem về, làm món hấp chấm muối tiêu chanh ăn ngọt lịm. Một con cua chân dài 1,3 kg giá 70 MAD/kg, con tôm hùm thì 300 MAD/kg. Cua cũng có mấy con bự hơn gấp đôi 2,5 - 3 kg một con.

Essaouira cũng có Medina (Phố cổ) nơi buôn bán tấp nập mà giá cả thì rẻ hơn nhiều so với Marrakech. Trong phố cổ cũng có một khu chợ cá nho nhỏ với hình thức mua xong cân ký rồi đem nướng trả tiền công tương tự. Ngay phía ngoài cổng thành Bab Doukkala là nối tiếp một khu vực chợ địa phương nơi tối tối mình thấy dân Ma-rốc buôn bán mua sắm tấp nập, hải sản ngoài cảng bán chưa hết thì tối sẽ đem về khúc này bán khuyến mãi. Dạo quanh chợ là những chiếc xe bán ốc đứng ăn tại chỗ hay những quầy bắp nướng, đậu phộng nướng. Cái không khí ăn vặt lề đường thật là gần gũi làm sao. Buổi chiều mua một bịch đậu phộng nướng đem ra Skala du Port ngồi ngắm hoàng hôn trên biển Đại Tây Dương, chợt nhận ra nơi này có hoàng hôn thật đẹp. Khi ánh mặt trời đã tắt hẳn sau những ngọn sóng thì người dân địa phương đi câu cá trên những mỏm đá ngoài biển kia mới bắt đầu lội nước trở vào trên những chiếc bánh xe cũ thay cho chiếc thuyền phao.

Bãi biển Plage d'Essaouira khá gần cảng cá nên không phải là bãi biển lý tưởng để tắm lắm, mặc dù bãi biển vẫn đông đúc, dân tình vẫn tắm quá trời ở đây. Tuy nhiên đi dọc thêm chừng hai cây số qua khỏi khu vực người ta chơi lướt ván diều, lướt sóng và cưỡi lạc đà sẽ đến được khu vực bãi biển đối diện với Borj El Baroud. Nơi đây nước biển trong xanh, tuy sóng vẫn còn lớn nhưng rất phù hợp để tắm biển và đắm mình trên những con sóng lớn, tận hưởng làn gió mát và không khí trong lành.

Essaouira mang đến cho mình cảm giác bình yên, thư thái. Ngày đầu đến đây khi đi tìm apartment, mình chui vào lộn nhà của một chú người Ma-rốc đến từ Marrakech. Được chú tận tình dắt đi kiếm phụ xem nhà mình thuê ở đâu vì địa chỉ trên Booking.com chính là số nhà của chú đó. Chú dắt đi một vòng hỏi thăm tùm lum mà không ai biết, có vài ba người còn nhiệt tình đi kiếm phụ vậy mà không ai kiếm ra. Cuối cùng ai dè đâu nó lại là cánh cửa không có số ngay sát bên nhà chú. Chú hỏi mình có thấy người Ma-rốc nhiệt tình không, mình trả lời có liền, từ hôm ở Marrakech đến giờ tao toàn gặp những người Ma-rốc dễ thương, mà người Ma-rốc cũng dễ thương thiệt. Họ nhiệt tình giúp đỡ, chỉ cho cái này cái kia. Miễn là gặp ai mà họ chào mời mình không mua thì thôi. Xong chú hỏi mình ở đây mấy ngày, ổng nghe kêu năm ngày xong ổng phán thành phố này nhỏ lắm đi một ngày là hết rồi, ở Morocco nếu mà muốn tắm biển thì nên đi Agadir có nhiều resort nhưng mà lịch trình kỳ này mình không nhét thêm Agadir vô được nữa. Ổng dặn nếu có ghé Marrakech gặp vấn đề gì thì lấy số điện thoại của ổng nè gọi cho ổng nếu cần giúp đỡ. Lúc ổng nghe mình sẽ đi xuống Casablanca ổng còn dặn xuống đó cẩn thận chút có ai rủ về nhà thì đừng đi, coi chừng bị gạt.

Essaouira cũng nhỏ thật nên ngày nào mình cũng lượn lờ phố cổ hết góc chợ này đến góc chợ khác rồi ra biển thì mỗi ngày tắm một bãi khác nhau. Có cái hàng thịt ở dưới nhà đi qua lại ông chủ cửa hàng nhớ luôn cả mặt, lúc nào đi ngang cũng chào. Mà chắc cũng nhờ thành phố nhỏ nên thành ra giá cả chỉ bằng một nửa so với Marrakech. Mấy nhà hàng bán món Tanjine giá chỉ tầm 40 đến 50 MAD. Buổi tối ra chợ vô tình dừng chân ở một quán cà phê có nhạc sống, gọi một ly trà một ly cà phê hết có 25 MAD. Chồng mình ngồi nghe còn được ban nhạc rủ vô chơi thử nhạc cụ của họ. Bữa sáng ra đầu đường ngồi ăn chung với dân địa phương món bánh mì chấm Argan oil, mứt đậu phộng, phô mai con bò cười hết 40 MAD hai người.


Casablanca: Sự Phát Triển Bất Ngờ

Ban đầu, mình không có dự định ghé Casablanca vì đây không phải là điểm đến du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, vô tình gặp một bạn người Ma-rốc đến từ Casablanca trong chuyến đi sa mạc Sahara, nghe bạn ấy bảo Casablanca rất khác biệt, là một thành phố hiện đại và phát triển. Cộng thêm đường từ Essaouira về Fes khá xa (nếu đi một lèo sẽ mất hơn chục tiếng), trong khi Casablanca lại nằm ở vị trí trung gian, nên dừng chân đây hai đêm để khám phá thành phố hiện đại này cũng là một ý tưởng hay. Casablanca cũng là thành phố có chuyến bay thẳng từ New York, mất khoảng 6-7 tiếng, vì vậy nơi đây có vẻ cũng là điểm trung chuyển cho các du khách từ phía bên kia Đại Tây Dương.

Tới Casablanca, hai vợ chồng mình mắt chữ O miệng chữ U ngạc nhiên trước sự phát triển ở đây. Sau khi rời thành phố đỏ Marrakech và làng chài nhỏ bé Essaouira, ấn tượng trong mình vẫn là một Ma-rốc cổ kính, kém phát triển, với đường sá thưa thớt, chưa hoàn thiện. Mình vẫn tự hỏi đời sống ở đây dường như còn khó khăn hơn cả Việt Nam mình. Vậy thì những cửa hàng giá cả đắt đỏ chắc chủ yếu bán cho khách du lịch, chứ làm sao người dân họ sống nổi? Thế nhưng khi về đến đây, dường như thành phố này đã cho mình câu trả lời: ngoài đường là những chiếc xe hơi sang xịn, là những con đường 8 làn xe ô tô, là những khu nhà cao tầng, những chung cư cửa kính triệu đô nhìn ra bờ biển, và cả chuỗi cửa hàng của các thương hiệu xe sang như BMW, Porsche, VW, Maserati. Thành phố này có khoảng 6 triệu dân và là nơi có cảng biển lớn thứ hai của Bắc Phi, giúp việc giao thương hàng hóa với châu Âu qua bờ Đại Tây Dương trở nên quá dễ dàng.

Cảm giác của mình là xã hội Ma-rốc có sự chênh lệch giàu nghèo khá rõ rệt: người nghèo, ăn xin, và những căn nhà sập xệ vẫn còn nhiều, nhưng cũng có những khu vực nhà cửa đẹp đẽ, sang trọng. Bên ngoài Marrakech là những con đường đất đỏ còn đang đào bới xây dựng, nhưng bên trong Casablanca là những dãy phố được xây dựng từ rất lâu theo kiến trúc châu Âu, bên cạnh là tàu điện mặt đất chạy ngang qua mà chỉ cần táp thẻ là đi được. Một sự đối lập rõ rệt của một đất nước đang phát triển. Với một vị trí chiến lược nằm ngay cạnh châu Âu, có vẻ đôi ba mươi năm nữa thôi, đời sống ở đây sẽ khác hẳn.

Casablanca từng nổi tiếng với mình qua một bài hát với những giai điệu không thể quên:

Ooh, a kiss is still a kiss in Casablanca

But a kiss is not a kiss without your sigh

Please come back to me in Casablanca

I love you more and more each day as time goes by.

Thế nhưng mình chưa từng biết Casablanca lại thuộc về Morocco. Cho đến ngày đặt chân đến đây, nhờ tìm trên bản đồ những cung đường sẽ đi, mình phát hiện ra ca khúc này đã được viết sau gần 40 năm, từ cảm hứng khi tác giả xem một bộ phim cùng tên đã được quay tại đây. Bộ phim "Casablanca" được công chiếu vào năm 1942, là một tác phẩm điện ảnh kinh điển về tình yêu và sự hy sinh trong Thế chiến thứ hai, lấy bối cảnh tại thành phố Casablanca ở Ma-rốc.

Về Casablanca, một buổi chiều ra quán cà phê ngoài bãi biển nhìn sóng đánh vỗ bờ lại thấy đời sống thật chill chill. Mình ở Hotel Central thuộc khu vực gần Central Market, ngay đằng sau bức tường bên trong thành cổ, bước mấy bước ra khỏi thành là gặp ngay cảng biển Casa Port. Buổi chiều đi dọc theo con đường bờ biển từ cảng biển vào Marina shopping mall, ngắm nghía đồ đạc rồi rảo bước đi về phía nhà thờ Hồi giáo Hassan II Mosque. Đây là nhà thờ Hồi giáo lớn thứ hai trên thế giới (sau Thánh đường Masjid al-Haram ở Mecca, Ả Rập Xê Út), và có ngọn tháp cao 200m là ngọn tháp cao nhất trong các nhà thờ Hồi giáo. Nơi đây chiều chiều nam thanh nữ tú ra ngồi trên những dãy đá ngắm hoàng hôn, chờ một ngày kết thúc.

Hoặc không thì bạn có thể bắt chiếc xe buýt số 900 giá 8 MAD đi khoảng 8 cây số là xuống đến bãi biển Nahla Beach, nơi có The View 360, Rooftop Cafe, và hồ bơi. Một đặc trưng của những bãi biển ở Morocco là sóng khá lớn, rất phù hợp để chơi những trò như dù lượn nhưng tắm biển thì đôi khi phải cẩn thận một chút.

Lưu ý khi đi xe buýt tại Casablanca: nút stop không có chức năng dừng xe, bạn có bấm thì tài xế vẫn sẽ chạy thôi. Bạn muốn xuống xe thì phải đập cửa và nói to, có thể nhờ dân địa phương hô giùm mấy tiếng Ma-rốc hy vọng tài xế nghe. Nhưng sau đó tài xế vẫn chạy lố thêm một trạm rồi mới cho mình xuống, khiến mình phải đi ngược lại gần cả cây số. Giá vé xe buýt thì cũng khác nhau tùy tuyến, có thể là 5, 6 hoặc 8 MAD.

Ma-rốc có văn hóa lái xe tương đối tốt. Ra đường, xe cộ vẫn nhường người đi bộ mặc dù đường sá ít đèn giao thông. Muốn qua đường vẫn cứ phải băng liền qua chứ không phải kiểu đứng chờ đợi, xe thấy mình đi thì nhường ngay.

Hai ngày ở Casablanca thời tiết có vẻ không chiều lòng người cho lắm, cũng biển cũng hướng tây mà mây mù mịt nên không thấy mặt trời lặn. Điều này khiến mình chợt nhận ra hoàng hôn trên biển Essaouira được ngắm cách đây hai ngày đã là một diễm phúc.

Buổi chiều sau khi từ biển trở về, mình ghé ngang tiệm Morocain Beignet nằm ngay đối diện đường với khách sạn Sofitel. Thấy bà con đang đứng xếp hàng mua và ăn đông đúc, mình cũng bon chen gọi một chiếc bánh Beignet morocain và một ly trà, mỗi món 2 MAD. Ai dè đâu bánh ngon dã man, vừa mới chiên từ chảo dầu ra, trong ruột thì dày dày hơi giống kiểu bánh tiêu, bên ngoài thì giòn rụm nóng hổi. Với mình, đây là món “must eat” khi đến với nơi này.

Gần chỗ mình ở có cửa hàng hải sản Joe Harry Food ăn cũng khá ổn. Một đĩa hải sản chiên tổng hợp có tôm, mực, 3-4 loại cá, một đĩa cơm chiên hải sản hơi giống kiểu Paella, thêm ổ bánh mì với chai Coca, tổng cộng hết 95 MAD. Trong khi đó, vào trung tâm thương mại thì một hộp Pad Thái tôm đã 80 MAD, một phần hamburger khoai tây chiên cũng 70 MAD.

Người dân Ma-rốc có vẻ cũng cuồng nhiệt bóng đá. Mấy ngày loanh quanh ở Essaouira và Casablanca, mình thấy dân tình già trẻ lớn bé tụ tập ở các quán cà phê xem bóng đá. Ngoài biển thì bọn trẻ đá bóng còn đông hơn số người đi tắm biển, kiểu như thanh thiếu niên cả thành phố chiều nào cũng kéo nhau đi đá bóng bãi biển. Đội tuyển Ma-rốc thì có vẻ cũng mạnh, đã từng vào tới bán kết World Cup. Văn hóa ngồi uống cà phê thấy ở khắp các hang cùng ngõ hẻm. Sáng mở mắt ra đã thấy quán cà phê đông nghẹt. Nửa đêm đi kiếm đồ ăn khuya, ngang qua quán cà phê vẫn thấy mấy ông già còn ngồi đánh bài.

Giờ giấc sinh hoạt bên này cũng khá trễ, theo kiểu châu Âu. Sáng ra 10:00 mới có một vài quầy hàng rục rịch mở cửa, 12:00 xem như bắt đầu hoạt động, nên trừ ăn sáng, cà phê, bánh mì ra thì mọi giao dịch mua bán phải từ trưa trở đi. Nhưng được cái không đóng cửa sớm, mấy chiếc chợ nhỏ nhỏ trong khu dân cư ở Essaouira đến tận 21:30 mình đi ngang vẫn còn mở cửa.


Kinh Tế Ma-rốc: Phụ Thuộc Châu Âu và Những Suy Tư Từ Chuyến Đi

Nền kinh tế Ma-rốc hiện có quy mô khoảng hơn 150 tỷ đô la Mỹ và thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.900 đô la Mỹ. Nếu so sánh với Việt Nam, quy mô kinh tế của Ma-rốc chỉ bằng khoảng một phần ba, và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam khoảng hơn 200 đô la Mỹ. Tuy nhiên, sức mua của nền kinh tế Việt Nam lại mạnh mẽ hơn, gấp khoảng 1,5 lần so với Ma-rốc.

Với vị trí địa lý chiến lược, giáp châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Pháp, nền kinh tế Ma-rốc phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu sang thị trường này. Hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của Ma-rốc là sang châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ biến động kinh tế nào của châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Ma-rốc. Bên cạnh châu Âu, Ma-rốc cũng xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia Nam Mỹ và đang mở rộng sang khu vực Nam Phi cũng như Đông Nam Á. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, Tây Ban Nha và Pháp chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng hơn 40% giá trị.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ma-rốc là xe hơidệt may. Đặc biệt, Ma-rốc đứng đầu thế giới về xuất khẩu phosphat (phân bón).

Việc đi lại giữa các vùng và các thành phố ở phía tây Ma-rốc, bao gồm Essaouira và Sahara, cho thấy cơ sở hạ tầng ở đây chưa phát triển đồng bộ: nhà cửa xây dựng còn dở dang, và số lượng máy móc công nghiệp trên đường không nhiều. Điều này khiến mình tự đặt câu hỏi liệu có phải chăng suy thoái kinh tế châu Âu đã và đang ảnh hưởng nhiều tới Ma-rốc. Mặc dù các số liệu thống kê đều cho thấy kinh tế Ma-rốc phát triển ổn định hàng năm, đạt khoảng 3% đến 4% trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2024.

Đi rồi mới thấy muốn xem chi phí như thế nào hãy nhìn vào GDP. Sau khi sống ở đây gần bốn tuần thì thấy rõ ràng là mức sống thấp hơn Việt Nam, nhiều nơi còn rất nghèo đói. Xa hơn một chút về phía châu Phi xuống Kenya sẽ thấy mức thu nhập bình quân đầu người chỉ rơi vào khoảng 1920 USD đầu người một năm và xa hơn một xíu nữa đó là Tanzania thì chỉ còn khoảng chừng 1225 USD trên đầu người một năm, đây là những con số thống kê vào năm 2023. Thế mới thấy ở Việt Nam ta đã sung sướng đến nhường nào, nói gì châu Âu, Mỹ hay Úc khi họ làm một tháng bằng người ta làm một năm, bảo sao họ đi chơi đâu cần quan tâm gì đâu.


Fes: Mê Cung Phố Cổ và Những Trải Nghiệm Khó Quên

Từ Casablanca, mình tiếp tục di chuyển lên Fes bằng tàu, giá vé 165 MAD đi gần bốn tiếng cho quãng đường 300 km.

Từ Hotel Central, bắt taxi đỏ đi chừng 5 km ra ga Casa Voyageurs hết 50 MAD. Lưu ý taxi ở đây đi phải trả giá trước chứ không có đồng hồ chạy theo cây số, nhưng trung bình mình thấy trả tầm 10 MAD cho một km là ổn, này là bao gồm hành lý chứ nếu đi một mình thì có thể trả giá rẻ hơn.

Tàu ONCF là kiểu tàu express liên tỉnh, một toa nhiều buồng, mỗi buồng có 8 ghế chia thành 2 dãy ngồi đối diện nhau. Khi mua vé sẽ có ghi rõ số toa số ghế. Chỗ ngồi thì ổn nhưng vali to thì hơi vất vả vì không có chỗ để, phải để tràn ra hành lang đường đi. Khách lên tàu thì có người ngồi đúng số ghế có người không, rồi lên xuống ở các tỉnh thay đổi khách tới lui, nên tốt nhất là ngồi đúng chỗ nếu đồ đạc cồng kềnh như mình.

Mình đến Fes vào một buổi chiều khi trời chưa kịp tắt nắng. Xuống khỏi ga tàu kéo vali ra ngoài là thấy có hàng loạt taxi đang đứng chờ rồi. Đưa địa chỉ Riad mình ở cho một anh taxi thấy kêu 50 MAD nên đi luôn không cần trả giá nữa vì từ ga tàu về trung tâm phố cổ cũng tầm 4 - 5 km.

Sau khi nhận phòng thì mình bắt đầu bước ra ngoài phố cổ ăn tối rồi tiếp tục đi dạo, sau đó mình nhanh chóng lạc lối vào những khu chợ. Những con đường buôn bán ở Fes có vẻ đan xen và chập chùng hơn, có cảm giác cứ khu này nối liền khu khác mà không hề chấm dứt. Sau hơn một tiếng đồng hồ cứ đi tiếp mà mãi không có đường ra, mình cảm giác như đã rơi vào mê cung của những chuỗi bán hàng bất tận, thêm vào đó là vô số những lời chào mời, dẫn dắt của các bạn trên đường.

Cũng phố cổ, cũng buôn bán nhưng Fes đem lại cho mình một cảm giác choáng ngợp hơn nhiều so với Marrakech bởi ở đây chào mời quá nhiều. Đồng thời sự chi chít đan xen không có lối ra, đường hẹp ít biển chỉ dẫn, không có những khoảng không hít thở mang lại cho mình cảm giác bức bách.

Phố cổ ở Fes được ghi nhận là cổ hơn, là Medina lớn nhất thế giới với ước tính có khoảng 9.000 cửa hàng và xưởng thủ công, nằm rải rác trong hơn 10.000 con ngõ nhỏ. Vậy hỏi sao không lạc?! So ra thì Medina Marrakech được quy hoạch “du lịch hóa” hơn, dễ đi lại hơn, nhiều biển chỉ dẫn và dịch vụ hỗ trợ du khách.

Qua đến ngày thứ 2 khi bắt đầu quen dần với các con ngõ thì mình bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, cũng mặc kệ dần những lời chào mời trên đường và nhận ra ở đây họ rất hay chỉ đường để kêu mình đi đến khu này khu kia để dẫn dắt vào cửa hàng hay quán ăn của họ. Cho nên tốt nhất là cứ “say no” rồi đi tiếp.

Các quán xá trong Medina cũng khá nhỏ, thường họ chỉ có chừng 5 - 7 cái bàn. Có quán mình đi ăn chỉ có duy nhất 2 cái bàn mà vẫn được rating trên Google khá cao. Và đặc biệt là chủ yếu được bán với giá cho khách du lịch, một món 80 - 100 MAD là phổ biến. Do Riad mình ở nằm ngay chính giữa phố cổ, giữa khu mới và khu cũ, giữa hai con đường chính đi về Blue Gate, nên xung quanh cũng không có nhiều sự lựa chọn về quán ăn ngoại trừ những quán dành cho khách du lịch. Chỉ có ra xe bánh mì đầu ngõ, gọi hai cái bánh mì tròn nhân thập cẩm (khoai, trứng, thịt nguội, sốt cà chua) mới có giá 10 MAD/cái. Hay ghé qua cửa hàng Morrocain Donut làm một cái bánh beignet 2 MAD rồi qua quán đối diện ngồi làm một ly trà chiều, hết 20 MAD/ly.

Đi 10 phút về phía khu vực xung quanh Blue Gate (Bab Boujloud) thì có nhiều hàng quán có giá cả mềm hơn. Mình tìm được một quán BBQ vô làm hai đĩa thịt nướng thập cẩm, mỗi đĩa có tám xiên bốn loại thịt cộng với hai miếng sườn cừu, ăn kèm với salad, bánh mì, trà mint, thêm hai ly nước cam tổng cộng 170 MAD cho hai người. Khu vực chợ gần đây cũng có nhiều người dân địa phương mua bán ăn uống hơn. Nên theo mình nếu ở khách sạn gần khu vực này thì cũng lý tưởng.

Ban đầu mình tính ở Fes bốn đêm sau đó sẽ lên Chefchaouen ở ba đêm, nhưng đến lúc mua vé xe buýt mới phát hiện ngày dự tính đi là ngày lễ Eid al-Adha (Lễ Hiến Sinh) – một trong những ngày lễ Hồi giáo quan trọng nhất tại Morocco, hãng xe buýt không hoạt động nên không di chuyển được.

Ngày lễ này là ngày lễ lớn nhất trong năm ở Ma-rốc, kéo dài ba ngày, kiểu như Xmas của phương Tây và ngày Tết của Việt Nam. Thế là xem như mình đã được ăn Tết Ma-rốc rồi. Từ chiều thứ sáu, hàng quán đã đóng cửa gần hết, vì đây cũng là một thói quen của người Ma-rốc đóng cửa vào chiều thứ sáu để dành cho cầu nguyện. Một vài khu chợ bán đồ ăn vẫn còn mở cửa với tấp nập mua bán chuẩn bị cho ngày lễ hôm sau. Qua đến thứ bảy là ngày lễ chính, các con ngõ vòng quanh chợ cũ đã được đóng cửa gần hết, lác đác có vài góc vẫn còn quán cà phê, quầy tạp hóa mở cửa. Trưa hôm nay sẽ là thời điểm mà người Ma-rốc tụ tập lại cùng với gia đình và làm lễ. Theo truyền thống lúc trước thì họ sẽ giết mổ gia súc đặc biệt là cừu xem như một vật hiến tế. Tuy nhiên hiện nay thì việc giết mổ này đã được hoàng gia ngăn cấm. Vì vậy ngày lễ mang ý nghĩa dành cho gia đình và cầu nguyện nhiều hơn.

Ở lại Fes vào những ngày lễ như vầy bỗng thấy cuộc sống bình yên hơn hẳn. Ra đường, cửa hàng đóng hết, trả lại cho con phố sự yên lặng, thoáng đãng, thích gì đâu. Nhưng mà gặp du khách nào cũng thích sự bình yên như mình thì lấy gì người ta làm ăn buôn bán.

Lúc mới đặt chân đến Morocco, mình cũng có một cảm giác hơi e ngại vì trông họ còn truyền thống, tuy nhiên Morocco được đánh giá màu xanh trên bản đồ an toàn đi du lịch, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là màu vàng. Sau khi đi Thổ Nhĩ Kỳ thấy mọi thứ đều tốt đẹp rồi thì mình cũng tự tin hơn, nước nào màu vàng cũng đều đi được hết huống gì màu xanh. Đi đâu miễn mình cẩn thận là được.

Ở Fes gần một tuần cũng làm quen được mấy người. Hôm thì đi ăn tối gặp anh bạn đến từ Argentina nhưng hiện nay cũng đang ở Đức - thành phố Cologne. Anh bạn này có lịch trình cũng đi Fes - Chefchaouen rồi Tangier khá giống vợ chồng mình. Hôm thì lên sân thượng Riad ngồi chill chill uống bia ngắm hoàng hôn gặp hai vợ chồng người Pháp đang sống ở Casablanca, cuối tháng này cũng nghỉ làm, sau khi trở về nhà ở Spain vài ba tháng rồi bắt đầu một hành trình du lịch Canada, Mexico dự định kéo dài đến năm sau. Thấy đời sống lang bạt cũng gặp nhiều người lang bạt ghê.

Ngày cuối cùng rời Fes, đi ra ngoài khu vực quảng trường công viên ngay phía cổng bên ngoài Medina, gọi một chiếc taxi hỏi bao nhiêu tiền thì anh này chạy theo đồng hồ cây số, đến lúc bước xuống tính tiền thì chỉ có 13 MAD, ngạc nhiên quá mình đưa anh 30 MAD luôn, tính ra taxi mà chạy theo đồng hồ thì quá rẻ cho quãng đường 5 km này.

Chuyến bus từ Fes lên Chefchaouen mình tưởng là đi bốn tiếng thế nhưng đường đèo uốn lượn đi cũng khá lâu, mình khởi hành lúc 11 giờ mà đến gần 4 giờ chiều mới đến nơi. Đoạn cuối còn lượn qua lượn lại làm mình muốn say cả xe.


Chefchaouen - The Blue City - Viên Ngọc Xanh Phía Bắc Ma-rốc

Chefchaouen là một thành phố nhỏ nằm trên những ngọn đồi, nơi có những cung đường hiking đi lên núi với view nhìn xuống toàn cảnh thành phố. Từ Fes xô bồ chật chội lên tới đây, mình bỗng thấy thành phố này dễ thương một cách lạ lùng. Một màu xanh dịu mắt, một khung cảnh yên bình nơi dù có đông khách du lịch nhưng không hề chào mời chèo kéo. Nghe kể ban đầu thì thành phố này được xây dựng bằng gạch màu tự nhiên, sau đó sơn màu trắng, rồi một thời gian sau du nhập màu xanh indigo từ Ấn Độ và từ đó thay đổi màu sơn thành màu xanh.

Chefchaouen có sự ảnh hưởng nhiều từ Tây Ban Nha do vị trí địa lý khá gần và đã từng có một thời kỳ Tây Ban Nha đô hộ ở đây. Spanish Mosque là ngôi đền được người Tây Ban Nha xây dựng để tặng cho dân Ma-rốc. Tuy nhiên, trước đây nó đã từng bị đập phá và dân Ma-rốc thì không ai đi cầu nguyện ở đền này, cho mãi đến những năm sau này thì nó mới được xây dựng lại và bây giờ trở thành một điểm tham quan du lịch.

Ngày đầu tới Chefchaouen, buổi chiều mình đặt walking tour trên trang Freetour.com. Tour có hướng dẫn viên dắt đi dạo một vòng phố cổ và giới thiệu về văn hóa địa phương khoảng tầm hai đến ba tiếng đồng hồ. Về bản chất là free tour nghĩa là bạn sẽ không cần trả tiền cho hướng dẫn viên mà cuối buổi sẽ tips tùy theo mức độ hài lòng của mình. Tuy nhiên, cuối buổi bạn hướng dẫn viên làm mình khá ngạc nhiên khi đưa ra quy định sẽ cần tips tối thiểu 10 Euro, nếu nhóm dưới 5 người thì mức tối thiểu cho một nhóm là 40 Euro. Mức này khá phổ biến so với châu Âu tuy nhiên nếu ở Ma-rốc thì lại là một con số khá cao so với mức sống. Được cái gặp bạn Saad làm hướng dẫn cũng khá nhiệt tình và cung cấp khá nhiều thông tin hay ho nên cũng bớt khó chịu.

Vùng này họ hay có Community oven (lò nướng cộng đồng) nằm ở từng cụm dân cư, giống như một cái bếp nướng chung của một xóm. Mặc dù ngày nay nhà ai cũng đã có bếp riêng, lò vi sóng, nhưng nét văn hóa đem bánh mì ra nướng ở bếp cộng đồng này vẫn còn tồn tại. Đi ngang qua vẫn thấy các bác quản lò đứng nướng bánh rồi thỉnh thoảng các cậu bé bưng một mâm bánh đã nướng xong đem về nhà. Tiền công thì trả cho bác quản lò vài đồng. Tuy nhiên khi hỏi bác cho mình chụp một tấm hình được không thì bác trả lời mình sẽ cần phải trả 3 MAD. Ở đây văn hóa chụp hình trả tiền cũng khá phổ biến, các con hẻm nhỏ có các bậc thang màu xanh được trang trí khá đẹp mắt thường cũng để một tấm bảng thu tiền 3 đến 5 MAD một người.

Chefchaouen có quảng trường Plaza Uta el Hamman là nơi các con hẻm đều đổ về. Đi đâu vòng vòng rồi cũng sẽ quay lại quảng trường này. Đi tới cuối phố cổ sẽ gặp một con suối nơi chiều chiều người ta tụ tập đông đúc ngồi uống nước hóng mát, còn lũ trẻ thì xuống suối nghịch nước, rửa chân. Từ đây đi ngược lên Spanish Mosque sẽ có view để ngắm hoàng hôn.

Địa hình ở đây khá đồi núi, ngoài việc bên trong phố cổ lên dốc xuống dốc liên tục thì đi ra ngoài cổng thành sẽ có những con đường hiking leo lên các đỉnh núi để ngắm nhìn xuống lại thành phố. Từ phố cổ đi lên một điểm viewpoint khoảng chừng 3 cây số mà mình đi hết gần hai tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng gặp phải con dốc nghiêng 45° đi muốn bở hơi tai.

Ở Chefchaouen có màn sử dụng shared taxi cũng khá hay: cứ bước lên xe một người 10 MAD vì cơ bản quãng đường cũng khá ngắn. Như hôm tới mình đi ba người cũng trả 20 MAD đi hơn cây số về khách sạn, còn anh bạn đi chung thì xuống đi bộ tiếp về khách sạn của ảnh. Hôm rời khỏi thành phố đi ra ngược lại bến xe taxi, đi trên xe đang có sẵn một người, hai vợ chồng mình bước lên thì tính 20 MAD, sau khi thả bạn kia ở phố cổ thì taxi chạy tiếp đưa vợ chồng mình ra bến xe.

Trên đường rời thành phố, mình lại bắt gặp những ngôi nhà còn đang xây dựng dang dở, bỗng cảm thấy có một nét tương đồng với những làng quê như Nam Định, nơi người dân xây nửa chừng rồi lại chờ đến lúc nào có tiền thì xây tiếp. Ở Ma-rốc trên các con phố thì lượng người ăn xin cũng còn nhiều, có người họ không ngồi xin thì gặp khách du lịch chào hỏi xong cũng xin ít tiền. Dĩ nhiên cho ai không là tùy mình, nhưng điều này khiến cho mình cảm thấy đời sống cũng còn khá khó khăn. Một trong những đặc điểm ở Ma-rốc là đi đâu mua gì cũng cần trả giá, tối thiểu cũng 50% không thôi hớ ráng chịu.


Tangier: Cửa Ngõ Hiện Đại Đến Châu Âu

Đường từ Chefchaouen qua Tangier chỉ cỡ 120 km tuy nhiên sẽ dừng ở một trạm ở giữa là Tetouan. Xe từ Chefchaouen chuyến 12:20 khởi hành 12:50 (trễ 30 phút), đi một tiếng rưỡi thì tới được đây. Tới đây trả khách, đón khách rồi tiếp tục thêm chặng đường hơn 60 km. Lướt qua thì thấy thành phố này khá là hiện đại.

Chặng dừng cuối cùng của mình ở Ma-rốc là Tangier, nơi thành phố hiện đại có chiếc phà đi chừng hơn một tiếng là về lại Tây Ban Nha. Đây cũng là điểm mà mình sẽ bay về Porto, Bồ Đào Nha. Thành phố này là thành phố lớn thứ hai sau Casablanca, cũng là nơi có cảng biển lớn nhất Ma-rốc.

Tanger Med là cảng lớn nhất ở Châu Phi và Địa Trung Hải. Nó thường xuyên nằm trong top 20 cảng container lớn nhất thế giới (gần đây nhất là hạng 17 theo Alphaliner 2024). Vị trí chiến lược tại eo biển Gibraltar, nơi giao thoa của các tuyến vận chuyển chính giữa Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, khiến nó trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa container quan trọng.

Tangier nằm ở cực bắc Ma-rốc, là cửa ngõ chính đến và đi từ châu Âu do gần eo biển Gibraltar. Thành phố này có lịch sử phong phú và bản sắc đa văn hóa mạnh mẽ, từng là một khu vực quốc tế trong thế kỷ 20, thu hút nhiều nghệ sĩ, nhà văn và điệp viên. Nơi đây có sự pha trộn giữa medina (phố cổ) truyền thống, bãi biển và khu vực thành phố mới hiện đại. Đây là một điểm đến du lịch phổ biến, đặc biệt là cho du khách từ Tây Ban Nha và Gibraltar.

Tangier mang đến cho mình một cảm giác hiện đại không khác gì Casablanca. Sáng rảo bước vào phố cổ, mình thấy có rất nhiều tour du lịch có hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử, vị trí địa lý, cảng biển nơi có thể nhìn thấy được Tây Ban Nha. Ngạc nhiên có vẻ tour ở đây khá phát triển, làm việc chuyên nghiệp hơn hoặc phải chăng là từ Tây Ban Nha họ có khi có tour đi Tangier đi chơi trong ngày rồi đi về không chừng.

Thích nhất là trưa trưa ngồi ở một quán cà phê ở khu vực bên trái cổng thành Kasbah, làm một ly Cappuccino nhìn xuống bến cảng, phóng tầm nhìn ra toàn bộ mặt biển trong xanh phía trước và xa xa là những con tàu, con phà đi về hướng Tây Ban Nha.

Buổi chiều ở Tangier, mình đi dọc từ trung tâm ra bãi biển khoảng gần hai cây số. Ban đầu ra đây định tắm nhưng đến nơi thấy hầu như không có khách du lịch mà chủ yếu là dân địa phương. Phụ nữ khá ít người tắm hoặc có thì họ cũng trùm kín mít, làm cho mình không dám mặc bikini nhảy xuống luôn. Thế là đành ngồi trên bờ hóng gió tắm nắng rồi đi về phía bến cảng ăn hải sản.

Từ bến xe CTM ở Tangier đi về khách sạn mình ở khoảng 6km, ra mấy bạn taxi hét 100 rồi 50 MAD, cuối cùng mình trả 40 MAD là đi. Hôm cuối từ chỗ ở ra sân bay 13km, taxi hỏi đòi 150 MAD, trả 100 MAD là đi. Nói chung lần duy nhất được đi taxi theo km quá rẻ là ở Fes, còn lại taxi bên này giống xe ôm Việt Nam, đi đâu cũng phải trả giá. Hôm ở Casablanca bạn lễ tân có chỉ cho cái app gọi xe Indrive mà nghĩ thôi mình cũng ít đi, lại toàn đi ngắn ngắn nên cũng không cài làm gì.

Sân bay Tangier thì giá cả giống sân bay Việt Nam, mắc gấp ba lần ở ngoài: một ly nước cam 4 Euro, Cappuccino 3 Euro, chai nước suối nhỏ 1,5 Euro.