Friday, November 16, 2012

Những ngày cuối



Những ngày này gần như là kiệt sức. Mặc dù sáng đi làm trễ 10p, chiều hết giờ là đi về ngay, không cố gắng ở lại thêm một giây phút nào nữa, nhưng vẫn cảm giác như mình đang phải làm rất rất nhiều việc, bởi những việc mình chưa từng làm và chưa từng muốn làm. Những khuôn mặt ngồi đây, mặc dù vẫn cười nói, vẫn cố gắng an ủi nhau, nhưng cũng không thể nào níu kéo lại được khoảng thời gian đã qua hay cố gắng làm chậm lại cái ngày cuối cùng. Cái ngày mà chúng ta chưa từng mong muốn tới.

Đó là cái cảm giác đau như thể chia tay một mối tình. Mình thấy nó nguyên vẹn như nỗi đau mình đã từng mang trước đây với mối tình hơn 5 năm. Người ta đau vì dành cho nó quá nhiều tình cảm và chẳng thể làm gì để thay đổi một cái kết cuộc không mong muốn. Nỗi đau đơn giản vì nó không hề có sự lựa chọn. Người ta thường hay vật vã vì phải đứng giữa ngã ba đường mà không biết phải lựa chọn hướng đi nào. Phải đến những lúc như thế này, mới thấy là, được lựa chọn đã là một hạnh phúc, hay một sự may mắn về mặt ý nghĩa nào đó.

Một tuần, hai tuần, rồi chúng ta sẽ vắng dần và tắt hẳn những tiếng cười của ngày còn chung sức bên nhau. Những người ra đi, sẽ phải chọn cho mình một con đường khác và mang trong lòng một nỗi đau vì mình đã không thể làm gì hơn được nữa. Những người ở lại, ôm trong lòng một sự vắng vẻ, một sự xót xa xen lẫn tiếc nuối trong những câu chuyện về ngày xưa. Và rồi phải tự đặt câu hỏi, mình ở lại vì cái gì, hay phải tự điều chỉnh nếu mình muốn bước lên một con tàu với hướng đi mới.

Chưa bao giờ có một điều gì là dễ dàng, kể cả việc chúng ta đã quyết định cùng nhau bước lên một con tàu. Nhưng ít nhất chúng ta đã từng có một khoảng thời gian bên nhau rất vui vẻ và ý nghĩa. Vì mỗi người chúng ta đều muốn đem lại một điều gì đó cho cộng đồng, cho một định hướng mà chúng ta đã lựa chọn.
Và bữa tiệc nào rồi thì cũng sẽ tàn. Nó có thể tàn trong niềm hân hoan hạnh phúc, hay trong nỗi buồn và những giọt nước mắt. Thế thì tại sao chúng ta lại không cứ tận hưởng bữa tiệc ấy đi, dù chỉ là những giây phút cuối cùng! Để mà ngày mai, có thể là sẽ không bao giờ có những bữa tiệc như thế nữa!

Viết cho những người đã cùng tôi đồng hành trên một con tàu! Yes, we were on the same boat!
17.11.2012


Monday, October 29, 2012

Đà Lạt - quán xá 2012

Đà Lạt thì mọi người đi nhiều rồi, mình cũng đi nhiều lần nên chẳng có gì gọi là khám phá. Mình chỉ note lại 1 số địa điểm ăn uống cũng như update giá cả cho mọi người dễ tham khảo.
Thông tin sau đây cập nhật tháng 10/ 2012

1- Ở
Best Western Dalat plaza: nằm ở vị trí đẹp, đối diện với khu chợ và mọi người có thể ngắm toàn cảnh từ trên cao xuống. Giá book qua đại lý là 450.000/phòng standard, so với giá niêm yết là 1.400.000vnd. Sdt mua voucher: 0979.99.39.89

2- Phương tiện đi lại
- Xe Phương Trang giường nằm: 210.000/vé, book trước 1,2 ngày là ok, dĩ nhiên không phải dịp lễ tết.
Sdt book vé của PT: 08.38.309.309
- Thuê xe máy: 80.000 - 100.000 /ngày/xe số, hỏi ở khách sạn thường mắc hơn 1 chút. Như ở Best Western Dalat plaza giá là 130.000 xe số, 150.000 tay ga.

3- Ăn
- Bánh canh Xuân An: đường Nhà Chung, sáng bán bún bò, bún chả cá, chiều mới có đặc sản bánh canh chả cá. giá 20.000/tô, nhiều chả cá, nhưng ít tiêu nên không cay như kiểu chả cá miền trung.
Đường đi: đối diện chợ, bên kia cầu là đường Lê Đại Hành, quẹo phải lên dốc rồi quẹo trái Trần Phú, qua nhà thờ con gà là đường Nhà Chung bên tay phải
- Nem nướng bà Hùng: ai chê kêu bây giờ hết ngon chứ mình thấy trời lạnh ăn món này vẫn ngon :)), 254 Phan Đình Phùng, giá 35.000/phần, nước chấm đậu phộng ngon.
Đường đi: ngay sau khu Hòa Bình, đi Tăng Bạt Hổ thẳng ra là gặp Phan Đình Phùng
- Bánh bèo số 4: đường La Sơn Phu Tử, nằm đoạn giữa cắt Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng. Nếu đi từ Hai Bà Trưng lên thì rẽ phải. 20.000/dĩa. Trên bàn có để sẵn bánh plan, yaourt, nhưng bánh plan ngọt lịm. Bánh bèo thì ngon.
- Long Hoa restaurant: số 6 đường 3/2, ngay sau lưng khu Hòa Bình. Nhà hàng nhỏ xinh kiểu tây, có nhạc nền êm dịu, ăn 2 người 3 món hết 320.000. Salad 50.000, nai nướng 130.000. Đồ ăn ở đây làm ngon, nên ghé.
- Bánh tráng nướng: chỉ bán buổi tối, nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, đi từ hướng phía sau khu Hòa Bình xuống thì nằm bên tay trái, 1 cái phomai trứng bò là 18.000, cô bán bánh nướng rất nhanh ^^
- Bánh căn: số 22 Tăng Bạt Hổ, số cũ là số 10, bên trái tiệm vàng Lung, có 2 loại là bánh trứng và bánh trứng cút, nước mắm xíu mại. Giá chừng 20.000/dĩa (không nhớ chính xác)
- Thanh Thủy - blue water restaurant: nằm ngay trên bờ hồ với mấy cây dù tím tím nhìn lãng mạn. Thực đơn phong phú cả 300 món, giá trung bình ~100.000/ món. Thức ăn ok, nhưng mình thấy salad bò ở đây không ngon bằng salad không ở Long Hoa :))
- Lẩu dê Ngân: 32C Hai Bà Trưng, 130.000/lẩu nhỏ 2 người, rau bún trứng tính riêng, nhận xét cá nhân là ăn thấy bình thường, không ngon bằng Sài Gòn, ăn có mùi dê hơi hôi hôi, không biết do dưới SG ăn dê giả riết quen hay không :P


Tuesday, October 23, 2012

Ngày ... chậm


Đang là những chuỗi ngày phẳng lặng chầm chậm trôi ...

Cảm xúc gần đây nhất của mình là khi dịch bài nói chuyện của Steve Jobs trước sinh viên trường đại học Stanford. Mình không ngưỡng mộ Steve, không phải fan cuồng của cái sản phẩm nào trong dòng táo sứt đó hết, thậm chí còn cảm thấy hơi bực bội trong những ngày mà hình ảnh Steve tràn ngập trên tất cả các kênh truyền thông, khi người ta tưởng nhớ Steve như 1 vĩ nhân của thế kỷ. Nhưng có một câu nói của Steve khiến mình suy nghĩ từ bữa giờ: "If today were the last day of my life, would I want to do what I'm about to do today?", tạm dịch là “ Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, tôi có muốn làm cái điều mà tôi định làm vào hôm nay không?” Vào những ngày Steve nhìn vào gương, tự hỏi mình và trả lời "Không", Steve biết mình cần phải thay đổi.

Mình... cũng muốn làm như thế. Vậy mà, chưa một làm dám nhìn thẳng vào mình trong gương để hỏi 1 câu tương tự. Bởi mình biết, dù cho câu trả lời có luôn lặp đi lặp lại là không, thì mình cũng không dám thay đổi. Cuộc đời mình không phải là một cuộc đời đầy sáng tạo như Steve.

Sáng nay, lên vinabook đặt hàng vài cuốn sách, nhận ra lâu rồi mình không còn đọc sách nữa. Bởi lo ngại, mua về rồi lấy thời gian đâu mà đọc. Mà cũng qua cái thời suốt ngày đọc tiểu thuyết và ngồi viết tản văn. Vậy mà có những người, như Nguyễn Phương Lập chẳng hạn, 50 tuổi đời gom lại thành "Chuyện đời vớ vẩn", vẫn dồi dào sức sáng tạo sau khi bị một tai nạn tưởng chừng như khó hồi phục sức khỏe thân xác. Thấy, niềm đam mê của ngừơi ta thật sự là khát khao và mạnh mẽ. Hay như GCTL, ôm đàn hát ở tất cả những nơi đi qua. Không sân khấu màu mè, không chương trình hoành tráng, chỉ cần ca sĩ, cây đàn, vài khán giả, đã đủ tạo thành "Vui"

Ngồi đây, mơ về một ngày, rong ruổi trên những nẻo đường không tên, với bút và giấy, ghi lại được tất cả mọi cảm xúc về đời sống và con người. Nếu có sự chọn lựa, tôi muốn làm một nhà văn!

Tuesday, October 18, 2011 at 10:30am ·



27


Đã có rất nhiều những năm tháng đi qua! Một đôi lần ngồi trên xe, nhìn qua khung cửa với mọi người mọi vật đang chuyển động, chợt thấy mình như đứng lại giữa thời gian... Chợt như thấy có những điều vừa mới xảy ra ngày hôm qua thôi, dẫu cho những điều ấy đã là quá khứ xa lắm rồi.

27 tuổi, cảm giác như đã ở ngưỡng cửa của một nửa cuộc đời. Đã bắt đầu những câu chuyện bằng cụm từ "ngày xưa" với những thứ kỷ niệm mà con người ta không bao giờ trở lại được. Song, cũng thôi mơ mộng để trở về một ngày xưa nào đó.

27 tuổi, người ta có một gia đình để mà quan tâm và nâng niu. Đã thôi cái tính trái gió trở trời muốn thứ gì là phải có ngay bằng được. Đã hiểu rằng hạnh phúc không phải là một điều vĩnh hằng tồn tại mãi mãi, mà phải quan tâm gìn giữ từng ngày.

27 tuổi, người ta nhận ra mình chững lại. Đôi khi chưa biết rồi sẽ đi con đường nào trong nửa cuộc đời còn lại, nhưng đã ý thức là mình có trách nhiệm với một số người và với bản thân mình. Và con người ta, hạnh phúc vì có trách nhiệm trên vai, vì nhận thấy rằng, sự tồn tại có một vài ý nghĩa theo mặt nào đó.

27 chưa hẳn là 30, nhưng đã đi xa 18 lâu lắm rồi. Dù là chưa thể sâu sắc như đàn bà 30, nhưng 27 cũng đủ hiểu ngông cuồng không chứng minh được điều gì, bởi mọi thứ đều có giá trị thực của nó. Khi người ta 27, người ta đi đến một ngưỡng cửa mà dù có muốn hay không muốn, người ta cũng sẽ luôn bước qua. Đó là khi mà người ta trở nên bao dung hơn với mọi lỗi lầm và nhận thấy đâu đó hình ảnh của mình qua những lỗi lầm ấy.

Thời gian trôi qua có thực sự làm thay đổi con người ta? Câu hỏi chưa hẳn đã cần có một câu trả lời... Mặc dù những năm tháng đã đi qua để lại cho ta khá nhiều vết cứa của thời gian, nhưng nó cũng để lại cho ta những kinh nghiệm sống, để cho ta thấy cuộc đời này chưa bao giờ là đủ và cũng chưa bao giờ là không đủ.

Cám ơn 27, ghi nhận thêm một dấu mốc của cuộc đời. 27 thực sự cho ta nhiều hơn mong đợi!

(viết cho sn tuổi 27 - Monday, December 5, 2011 at 5:06pm)

Cuộc sống là một chuỗi những sự đổ lỗi

Người ta thường bảo, cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn. Nhưng mà cái tôi thấy thì thường sau những lựa chọn đó là những sự đổ lỗi.
Người ta đổ lỗi cho sự ép uổng của cha mẹ cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Người ta đổ lỗi cho môi trường giáo dục không tốt dẫn đến những bất cập trong xã hội.
Người ta đổ lỗi cho sự lôi thôi của một bà vợ dẫn đến sự thay lòng đổi dạ của đức ông chồng.
Luôn có một hoặc nhiều những lý do hợp lý, bất khả kháng sau tất cả những điều không tốt đẹp hoặc những kết quả mà người ta không đạt được. Vì buộc phải đổ lỗi cho một ai đó, một hoàn cảnh nào đó hoặc một tình huống nào đó thì người ta mới cảm thấy trút được cái gánh nặng mà mình đang mang trên vai.
Và tôi, cũng đã từng như thế!
Khi chia tay một mối tình dai dẳng sâu đậm hơn 5 năm, tôi tìm đủ lý do để lý giải cho cái kết cục ấy. Tôi đổ lỗi tại hoàn cảnh, tôi đổ lỗi tại gia đình. Tôi loay hoay không tìm ra được một lý do hợp lý cho việc một người yêu thương mình đến thế lại có thể rời xa mình. Điều đó trở thành một day dứt theo tôi mãi trong một khoảng thời gian dài. Một lần, mẹ chứng kiến việc tôi lấy lý do gia đình là nguyên nhân của sự đổ vỡ, và mẹ im lặng. Ánh mắt mẹ đượm buồn làm tôi nhận ra mình đã ích kỷ đến mức nào khi chỉ tìm mọi cách để thỏa mãn cái tôi của chính mình. Làm sao gia đình lại là nguyên nhân cho những việc mà tôi đã lựa chọn. Rồi tôi bắt đầu nhận phần lỗi ấy về phía mình. Một sự việc xảy ra, dù là vô lý đến đâu đi chăng nữa, thì bản thân người trong cuộc luôn góp một phần không nhỏ vào cái kết quả cuối cùng ấy. Rồi tôi nhận tất cả lỗi về phía mình. Ấy vậy mà, tôi lại thấy thanh thản. Tôi ngừng đặt ra biết bao nhiêu câu hỏi mà tôi đã phải chịu đựng không một lời giải đáp trong suốt thời gian ấy. Tôi hiểu mọi việc xảy ra vì một lý do nào đó, và dĩ nhiên mình phải là người có lỗi trong một chuỗi những sự kiện có và không tên liên quan đến mình.
Sau những khoảng đen đó, tôi trở nên có trách nhiệm với những vì liên quan đến mình, với cuộc sống của mình hơn. Tôi cũng chưa từng hỏi lại người cũ, sau bao nhiêu năm, rằng lý do ngày ấy là gì. Bởi tôi không mong một sự nhận lỗi khác hơn từ người ấy và liệu rồi mọi việc có trở nên tốt đẹp hơn không nếu tôi đổ được cái lỗi ấy của tôi đi?!
Bây giờ, nếu có một sự việc gì xảy ra không như ý, tôi đầu tiên đều sẽ nhận lỗi về mình. Vì như vậy, tôi thấy mình trưởng thành hơn, trách nhiệm với chính mình và những người khác hơn. Tôi cũng cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn khi ai đó có thể chỉ ra lỗi sai của mình, góp ý chân thành và thẳng thắn để tôi rút kinh nghiệm và khiến cho tôi ngày một tốt lên. Và tôi thấy mình ngày càng hoàn thiện nhờ những lỗi lầm đó, với những giải pháp mình đưa ra tốt hơn cho những lần sau.
Tôi làm việc chung với một vài người. Họ luôn tìm ra một đống lý do cho những cái họ không đạt được. Thậm chí những lý do của họ còn khiến cho công việc của tôi khó khăn hơn. Nhưng tôi không đổ lỗi cho họ. Họ dĩ nhiên có lý do cho những việc làm ấy của mình. Và việc của tôi, đơn giản là tìm ra những giải pháp để vượt qua những khó khăn đó, làm sao cho mọi thứ tốt hơn lên. Bởi vì cuối cùng, sếp họ vẫn phải là người lắng nghe những cái lý do giải thích đó cho cái kết quả tồi, trong khi tôi thì có thể đem đến cho sếp của tôi những kết quả đẹp đẽ. Tôi nghĩ như vậy là đủ cho bản thân mình.
Bạn có thể có rất nhiều lý do với đầy đủ tính thuyết phục để đổ lỗi cho những gì bạn không có hoặc không đạt được. Nhưng ngoài việc tránh được gánh nặng tội lỗi ấy đi, bạn có thật sự thanh thản và ngủ ngon cho những gì mình đã làm, hoặc chí ít có sự tham gia của mình. Ba mẹ tôi đến nay vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về kết quả của một gia đình không hạnh phúc, và bản thân họ, đến giờ này, tôi không biết liệu đã tìm thấy hạnh phúc cho chính mình hay chưa?!
Khổng tử có dạy: Người khôn ngoan tự hỏi nguyên do lỗi lầm ở bản thân. Kẻ khờ dại hỏi nguyên do ở kẻ khác. Nhưng liệu cuộc sống 60 mươi năm hữu hạn này, mất bao lâu để người ta có thể hiểu được những điều mà cổ nhân dạy. Hay phải đợi đến khi, chúng ta trở thành cổ nhân, thì những gì xảy ra ngày hôm nay sẽ được ghi chép lại thành những bài học. Bởi vậy nên, ngày hôm nay, bạn có thể ngồi lại và ngẫm xem, liệu cuộc sống của mình có phải là chuỗi ngày của những sự đổ lỗi. Và bạn có mong muốn những chuỗi ngày tiếp theo của mình sẽ tiếp tục là những ngày đi tìm những lý do hoàn hảo cho những sự đổ lỗi đầy thuyết phục ấy không!


Thursday, October 18, 2012

Chủ nghĩa đám đông

Có những xã hội, làm khác mọi người được xem là tấm gương cho sự sáng tạo, là khởi đầu cho thành công.
Nhưng cũng có những nơi, việc đi một con đường khác luôn là dại dột, sai lầm, là kẻ cá biệt đối với đám đông đang được xem là chuẩn mực của mọi hành vi. Và tôi, thì đang sống trong một xã hội đám đông như thế, tất cả đều phải đi theo chủ nghĩa đám đông.

Thật ra thì bản thân tôi cũng chẳng khác đám đông là mấy. Ngoài mỗi cái việc cỏn con là muốn tập trung vào sự nghiệp, thay cho vai trò làm vợ đảm mẹ hiền mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải tuân theo. Đúng ra thì ở thế kỷ 21 này, trước những bàn tán cho cái ngày tận thế 21/12/2012, thì trào lưu phụ nữ độc thân hoặc mẹ đơn thân cũng đã phát triển nhiều. Nhưng dù gì đi nữa cũng không mấy ai đồng tình và cổ xúy cho trào lưu đó. Hoặc chăng đó chỉ là lựa chọn cuối cùng hoặc xu thế dành riêng cho giới showbiz.

Tôi có một nhóm bạn thân 4 đứa, bao gồm cả tôi. 4 đứa đều đã lập gia đình và 2 đứa thì đang chuẩn bị có em bé. Chỉ riêng tôi là thấy chưa sẵn sàng có con và vẫn còn muốn dồn mọi tâm trí cho việc phát triển con đường sự nghiệp của mình. Người ta nghĩ bản thân tôi mạnh mẽ, độc lập, nhưng không hẳn lúc nào hai năm cũng rõ mười. Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình, nhất là những khi cảm thấy chán chán công việc quá nhiều áp lực, rằng bao giờ thì mình lại thay đổi và muốn trở thành 1 bà mẹ. Hoặc là chắc chỉ 1 vài năm nữa, tôi chẳng còn một mống bạn thân nào để mà cafe, tâm sự, tán dóc, vì lúc đó chúng nó còn đang tối mắt tối mũi với sữa, tã, cơm nước, dọn dẹp, con cái kêu khóc, hơi đâu mà bận tâm đến con bạn rãnh rỗi như là tôi đây.

Thấy không? dù không muốn, thì tôi cũng đã gia nhập cái chủ nghĩa đám đông ấy từ khi mới sinh ra. Vì tôi phải sống theo cái xu thế mà mọi người muốn tôi phải thế. Khi bé thì phải học giỏi, rồi phải vào 1 trường đại học danh tiếng, rồi có một công việc ổn định, lương cao, thăng tiến tốt. Đó giống như một cái lộ trình được đặt ra sẵn cho tất cả, kể cả tôi, phải phấn đấu làm sao để đạt được. Nhưng bản thân tôi thì sao? thì vẫn làm theo đấy. Nhưng những cái khiến tôi tự hào về bản thân mình nhất thì đều là những ngã rẽ chệch hướng trên cái lộ trình cơ bản ấy. Tôi ăn chơi có tiếng nhưng vẫn học giỏi, tôi quyết định bỏ ngành cái rụp ngay khi ra trường để bây giờ sau 5 năm đi làm thì có được mức lương mà mọi người mong muốn. Tuy nhiên, ngoài những đoạn cua chệnh choạng ấy, thì tôi vẫn đang đi trên con đường chung với mọi người. Vì tôi vẫn sợ, nếu một mình tôi đi trên một con đường song song, thì sẽ vô cùng cô độc, và chẳng bao lâu cũng sẽ gục ngã mà chẳng ai biết tới.

Giống như giờ đây, nghĩ về mình của 5 năm nữa. Liệu mình có còn cái tham vọng nghề nghiệp của thời điểm bây giờ, hay lại đắm đuối trong cái đống tã giấy và tự hào cho thành quả tạo ra một thế hệ tiếp nối trên cùng một con đường định sẵn.

Đã có rất nhiều lần, tôi muốn đi ra khỏi đám đông, làm những điều mà người ta cho là rồ dại. Nhưng rồi vì không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào, tôi lại chùn chân. Thì ra việc sống lâu giữa một xã hội như thế, khiến người ta trở nên lệ thuộc đến vậy. Người ta không thể bỏ tất cả những gì đang có để đi tìm một giấc mơ vô hình. Và cả xã hội ngoài kia thì đều đang lên tiếng để ta thấy là, ta chỉ nên mơ những giấc mơ tầm thường như bao kẻ khác, như là giàu có, nhà lầu, xe hơi, con ngoan học giỏi. Thế là đã đủ cho ta kết thúc một cuộc đời.

Khi mà ta trở nên già cả hơn, có khi nào ta tiếc về những ngày tháng đã qua? Hay người ta cũng sẽ vẫn luôn có sự tự hào, vì những gì mình đã đạt được, và như thế là đủ?!

Friday, September 7, 2012

Bali - thiên đường hạ giới

Chương trình tour đi bụi Bali được thực hiện ngay khi săn được vé giá rẻ từ Jetstar, round trip từ SGN đi Bali - transit qua Singapore, tổng cộng hết 3tr6/người, vé không hành lý ký gửi, mua thêm 1 vé hành lý nữa thêm 200k. Thế là chúng ta có 5 ngày để đi và khám phá paradise beach mà người ta thường hay ca ngợi. Rủ thêm 2 người thế là nhóm 4 người mình lên đường - trong đó có 5 tháng chuẩn bị :)) (vì book vé trước đến 5 tháng mới có giá rẻ như vậy)

Tham khảo nhiều website cũng như kinh nghiệm bản thân cho thấy, đi Bali nên thuê xe hơi riêng, vì giá rất rẻ và lại thuận tiện để đi những quãng đường xa như vậy, mà giá cả thì có khi chưa bằng 1/2 tiền thuê xe ở VN.
Mình liên  hệ với anh chàng tên là Kadek thông qua reference của 1 cặp vc vừa đi Bali về trên phuot.vn với thông tin giá cả như sau, chỉ việc email hẹn ngày giờ là anh này sẽ đón tận nơi.
Airport transfer to Ubud (one way): IDR 250.000
Half day tour: IDR 300.000
Full day tour: IDR 400.000
http://balidriverbali.blogspot.com
http://balikadek88.wordpress.com
Thật sự khá hài lòng với Kadek về sự nhiệt tình cũng như trách nhiệm của anh chàng này. (anh chàng đang giang tay đứng sau lưng bọn mình)
Nguyên tour 5 ngày 4 đêm này bọn mình tốn cỡ 500$/người, bao gồm mọi chi phí, kể cả vé máy bay và khách sạn. Tính ra thì chi phí để đến thiên đường hạ giới khá là rẻ, hứa hẹn sẽ có những lần khác ta quay lại thiên đường :))

Ngày 1: Qua đêm ở Sing, ngủ ké và ăn uống hoành tráng

Chuyến  bay 15h30 bị delay 2 tiếng, thế là lăn lết ở Sân bay TSN quốc tế, uống ly cafe Elly hết 6$ và hụt mất khoảng shopping ở Orchard đã plan ban đầu.

17h30 bay, 19h30 ra khỏi Hải Quan Sing, mất 1h đổi qua GMT+8, thế là thành 20h30. Mình đi skytrain từ terminal 1 qua terminal 2 thì mới có MRT để đi vào trung tâm. Sau hơn 10 trạm thì mới tới được China town, lúc này đã hơn 21h30. Anh bạn cho ở ké sau khi chờ đợi mòn mỏi đã đi ăn trước rồi, sau đó cả bọn kéo ra 1 quán ăn ở ngay khu China town để xử lý cái bụng đói meo mốc. Do đói con mắt mà mình đã order 1 cái menu cả chục món cho 4 người, khúc sau nhờ có cái chị phục vụ người Việt cancel bớt 2 món, dẫn đến 4 cái bụng lặc lè và tổng thiệt hại lên đến 3 triệu VND. Đây là bữa ăn đầu tiên và cũng là bữa ăn đắt nhất trong toàn chuyến đi. Rút kinh nghiệm lần đầu, những ngày hôm sau chỉ dám order phân nửa trước, hehe.



Ăn xong hơn 10h30 đêm, cả bọn đi bộ ra Marina Bay để ngắm cảnh, chụp hình. Mục tiêu của mình là phải dòm ngó cái Marina Bay Sands để lần sau còn qua đó ở cho bằng được. Tính ra thì từ China town đi bộ ra chỉ chừng 1km nên chút xíu là tới nơi. Lần nay qua thấy khu khách sạn Fullerton phát triển dã man, bành trướng hết 1 khúc rộng ở Marina Bay, mở bar-cafe, mall ì xèo hết.


Hơn 1h đêm cả bọn mới lọ mọ bắt taxi đi về Hougang ngủ ké, coi như tiết kiệm được 150S$ tiền khách sạn mà ban đầu tính book. Hougang là một khu phức hợp, apartment khá nhiều, kiểu giống như Phú Mỹ Hưng của mình. Chỗ bọn mình ngủ ké cũng là 1 apartment, khá rộng rãi và có đến 3 phòng ngủ, thế là tha hồ chia nhau ra mà ngủ vào lúc 2h30 sáng.

Ngày 2: Từ Sing bay trực tiếp qua Bali và về đến Ubud

Sáng ngủ dậy bắt taxi đi thẳng ra Sân bay Changi, quay trở về Terminal 1, vẫn còn dư thời gian để cả bọn ăn sáng Burger King trước khi lên đường bay qua Bali. Chuyến bay từ SGP qua Denpasar - Bali mất đến 2 tiếng rưỡi, thủ tục ì xèo lên xuống máy bay coi như là 3h.




 Xuống sân bay thì Kadek đón ngay bọn mình đi về Ubud. Ban đầu dự định là chiều nay đi đền mẹ - Besakih temple, nhưng sau đó bạn Kadek khuyên bọn mình nên đi những điểm ở center của Ubud trước, vì đền mẹ khá xa và nên kết hợp với hành trình đi núi lửa ngày hôm sau, thế nên bọn mình thay đổi route cho ngày đầu thành: Art museum - Ubud palace/royal - Ubud market
- Art museum khá ấn tượng với những cánh cửa, bức tường điêu khắc công phu. Nhìn bác thợ ngồi đục đẽo từng chi tiết thiệt là ngưỡng mộ. Bên trong bao gồm cả khu resort và quán cafe ngồi nhìn ra cánh đồng khá thơ mộng. Vé vào cổng hơi mắc một chút: 40.000 IDR/người tuy nhiên lại được free cafe/tea, thiệt ra thì cũng là một cách kinh doanh khá hay. Bọn mình thì chưa đủ khả năng để hiểu hết những bức tranh nghệ thuật nhưng cảm thấy khá enjoy khung cảnh thanh bình nơi này.

- Vòng qua hoàng cung Ubud, nằm nay góc ngã tư trung tâm và sau đó là khu chợ Ubud nằm xéo xéo đối diện bên đường. Chợ đang sửa chữa dãy phía ngoài, tuy nhiên việc buôn bán vẫn diễn ra khá tấp nập bên trong. Mua đồ ở đây thì nhớ là phải trả giá ít nhất là 1/3 thì mới không bị hớ. 1 bộ bàn ăn nói 150.000 IDR cuối cùng bán cho mình giá 50.000 IDR , một bộ nến hỏi giá 90.000 IDR nhưng khi mình bỏ đi thì nói 40.000 IDR dù mình chưa trả đồng nào.

Đi xong vòng ra ngoài Kadek chờ và chở bọn mình về khách sạn, mình book khách san Dewa Brahata cách trung tâm chừng hơn 1km. Giá 1 đêm là 34$/phòng 2 người, double or twin. Khách sạn nhìn bên ngoài như 1 ngôi đền. Đặc trưng ở Ubud là nhà cửa lúc nào cũng có cổng ra vào truyền thống và bên trong là những miếu thờ theo đạo Hindu. Khách sạn mặc dù nằm ngay mặt đường nhưng vô cùng yên tĩnh, thích hợp cho những ai muốn nghỉ dưỡng và thiền; tuy nhiên nếu đi du lịch một mình thì không nên đi bộ về khách sạn vào buổi tối, vì đường lên khách sạn là 1 con dốc không có đèn :)

Tắm rửa xong cả bọn kéo nhau về lại trung tâm ăn tối, đi chưa tới ngã tư trung tâm nơi Ubud royal, còn cách chừng vài trăm mét là bọn mình gặp và chọn River view restaurant - nằm bên phải International BBQ, đường vào hơi nhỏ và tấm biển không nổi bật bằng những nhà hàng kế bên, nhưng River view lại có chỗ ngồi khá hay, mát mẻ, và đặc biệt là thức ăn cực kỳ rẻ. Tính ra đó là bữa ăn rẻ nhất của cả bọn ở Bali, 4 đứa kêu 6 món, 3 chai bia, 2 ly nước trái cây mà hết có 237.000 IDR. Không chừng rẻ hơn cả ở VN, hehe





Ngày 3: Tirtha temple - Bali cafe - Penglipuran village (bangli) - Kintamani & Batur lake - Besakih Temple - Kecak dance - Sunset at Uluwatu - Dinner at Jimbaran

Một ngày dài thiệt dài với chương trình từ 8h sáng kéo dài đến 10h đêm. Kadek đón bọn mình ở khách sạn rất đúng giờ, cả bọn ngủ dậy lò dò ra ăn sáng là anh chàng đã đợi từ lúc nào. Suốt mấy ngày làm driver và tour guide đưa bọn mình đi đây đó là anh chàng này đang bị bệnh, tuy nhiên làm việc luôn luôn trách nhiệm và không một lời rên rỉ, mặc dù là ngày nào cũng chờ bọn mình dài cổ. Một điểm mình cho là rất hay đối với 1 đất nước du lịch đó là sự chuyên nghiệp của tài xế, bọn mình lần nào vào ăn trưa hay ăn tối đều rủ Kadek 1 cách rất là thật tình, tuy nhiên anh chàng nhất định không vào, bảo như thế sẽ là impolite với bọn mình và bọn mình thật sự rất respect chuyện đó. Cho nên hôm cuối cùng trả tiền, thay vì trả half-day cho ngày đầu tiên mình trả luôn full day, coi như compensate cho ngày thứ 2 làm đến 14 tiếng.

Ngoài ra lại còn có vụ cho vay tiền rất hài hước. Sáng ngày thứ 3 này, sau khi ra khỏi khách sạn, mình ghé vào quầy đổi tiền thì chưa có quầy nào mở cửa, chắc là do bọn mình khởi hành từ 8h là quá sớm. Ở Bali 10h hàng quán mới bắt đầu hoạt động. Thế là Kadek đề nghị cho bọn mình mượn 1.000.000 IDR, coi như gần bằng toàn bộ số tiền bọn mình phải trả cho anh chàng trong 3 ngày. Đọc bài viết của cặp vợ chồng kia đi trước cũng có nghe kể vụ mượn tiền mua vé vào cổng, nhưng không ngờ anh bạn này lại cho bọn mình mượn tiền đi chơi cả ngày như vậy. Sau đó vào cuối buổi chiều, khi chưa tìm ra chỗ đổi tiền trước khi lên xem sunset, anh ta lại còn đề nghị cho mượn thêm 1.000.000 IDR nữa, làm bọn mình ngại hết sức. May mà sau đó cũng kiếm ra quầy money exchange.

- Tirtha Empul temple: bọn mình đi vào sáng thứ 2 trong tuần mà vẫn rất đông người đến làm lễ, dân Bali ngoài nét truyền thống thì tôn giáo cũng là một điểm khá đặc trưng. Mặc dù trên toàn bộ đất nước Indo thì Muslim chiếm >90% nhưng ngược lại ở Bali thì Hindu chiếm đến 94%, cho nên đa số văn hóa đền đài, tượng thần,... đều mang dáng dấp của đạo Hindu.
Tirtha Empul temple có hồ nước thánh đặc trưng có rất nhiều người xuống tắm và cầu nguyện, nghe nói là mỗi vòi nước còn tượng trưng cho một ý nghĩa đặc biệt nào đó nữa mà mình chưa kịp tìm hiểu.


- Rời đền 1 đoạn, bọn mình ghé vào 1 khu nhà vườn trồng cafe, ở đây người ta không trồng để sản xuất mà phục vụ du khách là chính. Bọn mình được nhìn thấy con chồn thật, quy trình thủ công của dân địa phương chế biến cafe, và đặc biệt được nếm thử 8 loại trà cafe miễn phí mà nhà vườn sản xuất. Riêng cafe Luwak - cafe chồn - thì sẽ phải trả tiền, giá là 50.000 IDR/ly. Mặc dù VN là đất nước xuất khẩu cafe nhưng thiệt tình là mình chưa được xem người ta làm cafe như thế nào và cũng chưa có cơ hội được nếm thử cafe chồn luôn. Hơi buồn một chút khi thấy mình làm du lịch không bằng 1 góc so với nước ngoài.

-  Sau cafe bọn mình tiếp tục đi đến làng Penglipuran - đây là khu làng cổ được chính phủ đầu tư để gìn giữ nét văn hóa và làm làng du lịch. Ở đây người ta vẫn giữ được mái nhà cổ, khu bếp cổ. Nhìn bếp y hệt như gian bếp ngày xưa của miền Bắc.




- 12h trưa rời làng Penglipuran bọn mình tiếp tục ngồi xe thêm 30' để lên đến Kintamani , ngắm hồ Batur và ngọn núi lửa lớn thứ 2 ở Bali. Thời tiết ở đây mát lạnh như ở Đà Lạt và đặc điểm này càng khiến cho Bali trở này một nơi đặc trưng. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, bạn được tận hưởng sự thay đổi thời tiết từ Ubud lên núi hoặc trở về bãi biển Kuta, mà ở Sài Gòn thì chúng ta mất ít nhất 1 đêm trên xe mới lên tới Đà Lạt hoặc 5 tiếng để ra tới biển Phan Thiết chẳng hạn.


- Bọn mình dừng lại ăn trưa ở nhà hàng Sari, ở đây có buffet trưa giá 94.000 IDR bao gồm thuế và nước uống. Để ý là ở Bali mọi nơi đều tính thuế, dân tình có vẻ rất gương mẫu trong việc đóng thuế cho nhà nước, dù là nhà hàng nhỏ hay lớn, tùy nơi mà bạn có thể trả thêm 10% hay 21% so với giá trên menu. Một tiếng đồng hồ ăn uống và ngồi hứng gió rét trên núi, ngắm nhìn ngọn núi lửa im ắng giữa trời đất bao la. Ở đây còn có tour leo núi lửa mà nếu muốn chinh phục thì bạn sẽ cần khởi hành từ khách sạn lúc 2am, leo từ chân núi lúc 4am và ngắm bình minh trên đỉnh. Hẹn 1 ngày có nhiều thời gian và sức khỏe mình sẽ chinh phục sau, hehe.
- Sau đó bọn mình lên đường đi Đền mẹ -Besakih Temple - nơi được mệnh danh là ngôi đền lớn nhất ở Bali, bao gồm hơn 50 ngôi đền trong 1 cụm quần thể. Tuy nhiên ở đây lại có vấn nạn về việc mua vé và mua hướng dẫn. Giá vé chung là 15.000 IDR/người, tuy nhiên khi đi vào bạn sẽ buộc phải mua thêm hướng dẫn nếu muốn đi được vào đền chính, nơi mà sẽ có người đóng cửa và chặn bạn lại. Ở đây sẽ là một cuộc mặc cả mà giá có thể là Eur 20,30,40,50,... có một người ngồi điều hành hướng dẫn, cũng sẽ là người mặc cả giá tiền với bạn. Mặc dù nói khách có thể contribute bao nhiêu tùy, nhưng nếu ít thì sẽ tiếp tục trả giá đòi lên. Do đã được Kadek cảnh báo trước là không nên trả quá 50.000 IDR nên bọn mình dứt khoát 50.000 IDR hoặc khỏi đi đền chính luôn. Thế là deal. Mang tiếng là hướng dẫn nhưng thực chất là anh chàng này chỉ dắt bọn mình đi một vòng, chả giới thiệu gì mấy về lịch sử ngôi đền, trừ khi bọn mình hỏi thì trả lời, kèm theo là tiếng anh thì hơi bị khó nghe, xong chụp dùm vài tấm hình, sau đó là đi ra đòi tiền tip. Để đỡ lằng nhằng bọn mình đưa đại 20.000 IDR cho xong việc. Nói chung là 1 trải nghiệm xấu với ngôi đền này, làm mình nhớ lại cảm giác lần trước đi chùa Hương chứng kiến cảnh chèo thuyền đòi tiền tip khách Tây. Đúng là làm du lịch kiểu này thì người ta chỉ muốn 1 đi không trở lại.


- Gần 3h, bọn mình vội vàng lên xe trở về, vì sẽ mất hơn 2 tiếng để quay ngược lại Uluwatu ngắm mặt trời lặn. Lên xe cả bọn lăn ra ngủ cho đến khi về gần tới Kuta kiếm chỗ đổi tiền. Để đi đến Uluwatu thi sẽ đi ngược qua lại sân bay và Kuta, nơi bọn mình sẽ ở đêm nay. Cuối cùng bọn mình cũng kiếm được 1 chỗ money exchange trên đường với tỷ giá khá ok là 1USD = 9500 IDR. So với ban đầu đổi ở Sân bay là chỉ có 9200 IDR thôi.


- Lên tới Uluwatu đã là 5h30, chụp vài tấm hình nhìn ngôi đền từ phía xa, bọn mình mua vé vào xem Kecak dance luôn. Kecak dance ở đây được Kadek giới thiệu là nơi đông nhất và giá rẻ nhất so với những chỗ khác, chỉ có 70.000 IDR/người. Mà thật sự cũng khá là thú vị khi ngồi xem dance ở một nơi trời đất mênh mông như thế. Đây là một loại hình văn hóa rất đặc trưng của Bali, ngoài Kecak dance còn có Barong dance và một vài cái tên tương tự như vậy. Tuy nhiên loại hình Kecak dance người ta sẽ không sử dụng nhạc cụ mà âm thanh sẽ là echos tạo ra từ 70 người đàn ông xem như nhạc nền cho suốt vở kịch. Khi mua vé bọn mình được phát cho mỗi đứa 1 tờ về nội dung vở kịch để hiểu thêm về văn hóa của họ, kịch bản cũng có 1 vài điểm khá hài hước và giao lưu với khán giả nên nhìn chung mọi người đều thấy rất là interesting.


- Coi xong là trời đã tối, bọn mình cũng không trở lên đền để ngắm gì nữa, vì tối thui lấy gì mà chụp hình, coi như vớt vát được vài 3 tấm hoàng hôn lúc mới vô thôi. Kinh nghiệm là nên đi sớm hơn khi đến Uluwatu thì bạn sẽ có nhiều hình đẹp, hehe.

- Lúc này là hơn 7h tối, bọn mình dự tính ra rủ Kadek đi ăn buffet ở bãi biển Jimbaran luôn, vì không thôi là anh chàng lại tiếp tục đợi bọn mình ăn xong đến khi tối mịt. Nhưng anh chàng nhất định không chịu, mà có dời lại hôm sau sau khi kết thúc tour để mời thì cũng lại ngược đường không đi được, thế là bọn mình đành vào ăn. Quán bọn mình chọn tên là Lia cafe, nằm trong 1 dãy quán ăn bán hải sản kiểu cũng giống như ở các bãi biển của mình. Tuy nhiên ở đây bọn mình được ngồi bàn ghế gỗ, có đèn cầy lãng mạn và còn được nghe nhạc. Ban nhạc dạo ở đây phục vụ theo yêu cầu, mình hỏi anh chàng phục vụ thì được biết giá cả yêu cầu là 20.000 IDR / bài tuy nhiên 3 bài thì có thể trả 50.000 IDR, nói chung cũng tùy mình. Trong lúc loay hoay gọi đồ ăn thì ông xã đi book ban nhạc lúc nào không hay, coi như là một món quà bất ngờ, vì lúc đó mình vẫn còn order đồ ăn và suy nghĩ có nên bỏ tiền ra nghe nhac không, hehe.
 
(ca sĩ nghiệp dư yêu âm nhạc, hehe)

- Hải sản ở đây thì vừa ngon, vừa tươi, vừa rẻ, đúng là đến Bali mà không ăn hải sản ở đây thì thiệt là đáng tiếc. Bọn mình order 1 set menu dành cho 3,4 người, giá 700.000 IDR, thuế luôn tính ra là 770.000 IDR, bao gồm 1 con tôm hùm 1kg bự vật vã, 0.6 kg cua, 1 kg cá, 0.5 kg sò, kèm thêm salad, soup, rau xào, cơm, khoai tây chiên, 2 chai big Bintang beers, trái cây tráng miệng nằm trong hết set menu. Đi 2 người thì bạn có thể chọn set menu nhỏ giá 300, 400k.
- Ăn xong 10h đêm bọn mình về lấy phòng khách sạn. Mình book Royal eighteen resort & spa 4 sao, giá 65$/đêm. Khách sạn này mới mở cửa được 6 tháng nên có đợt discount, mình dòm ngó trên booking.com thế là book luôn. Dịch vụ ở đây khá ok, nhân viên dễ thương, hàng đêm đều có chương trình buffet hoặc set menu với nhạc sống khác nhau. Tuy nhiên có 1 điểm khá thất vọng là hồ bơi nhỏ xíu, lại nằm ngay chỗ breakfast, thành ra không có ai thèm tắm. Mà hôm sau khi bọn mình đi dọc lên bãi biển, dòm vô mấy cái resort thấy mấy cái hồ bơi khác cũng nhỏ tẹo, chả hiểu khách ở đây chỉ tắm biển không thèm tắm hồ hay sao ah.
- Tắm rửa xong cả bọn lại tiếp tục mò ra đường dạo biển. Từ Royal 18 muốn tắm biển thì thật ra phải đi bộ 1 quãng mất 10-15p, kinh nghiệm là nếu muốn tắm nhiều lười đi thì nên book khách sạn phía trên 1 chút, từ phía Hard Rock resort trở lên. Tuy nhiên càng về trên thì lại càng ít địa điểm ăn uống, cho nên tắm nhiều ăn ít thì phù hợp hơn :)) Hard Rock chiếm 1 khu vực hoành tráng nơi góc bãi biển Kuta bao gồm resort, mall, bar-cafe,... tính ra thì nếu bỏ nhiều tiền hơn thì ở đây cũng hay, vẫn nằm ngay khu trung tâm.
- Một điểm nữa ở Bali rất nhiều cửa hàng kiểu như Circle K, 24h, tối đói bụng thì tha hồ mua mì gói bánh kẹo về ăn. Hầu như đêm nào ở Bali tụi mình cũng chui vô Circle K mua nước suối, nước trái cây, socola về để hôm sau vừa đi vừa nhâm nhi.

Ngày 4: Git git waterfall - Ulun Danu at Bratan lake (Bedugul) - Sunset at Tanah Lot - Food court at Kuta

Bù lại ngày hôm trước đi chơi quá sức liên tục, hôm nay bọn mình quyết định khởi hành trễ, 10h mới ra khỏi khách sạn. Điểm đến đầu tiên là thác Git git, nằm ở khá xa, thậm chí là xa hơn cả đi Kintamani ngày hôm quá. Mất hơn 2h30p mới tới nơi, mặc dù bọn mình đã bỏ qua 1 cái temple ban đầu có trong plan là Taman Ayun vì thấy bọn mình đi cũng hơi bị nhiều đền. Nghe Kadek nói thì Taman Ayun là 1 ngôi đền của hoàng cung, của 1 vị vua nào đó.

Đường lên Git git ngoằng nghèo uốn lượn khiến cho khi xuống xe cả bọn đều thấy mệt. Trên đường đi thì đồng ruộng trải dài, với những cánh đồng bậc thang dành riêng cho vùng cao. Sau khi mua vé và dẫn bọn mình đến chỗ check vé, bọn mình kêu Kadek quay về xe nghỉ ngơi để tự tụi mình đi khám phá. Anh chàng đến hôm nay thậm chí giọng nói còn tệ hơn hôm qua, chắc do bệnh mà đi với tụi mình cũng phát đuối.



Đi bộ chừng 15-20p là lên tới thác. Mặc dù đây là ngọn thác lớn nhất trong khu vực này nhưng đối với mình thì Git git waterfall khá là nhỏ, chỉ được cái cao, và không so bì được với thác ở Buôn mê thuột, nói thêm là ở đây có khá nhiều thác nhỏ nhỏ nên nếu đi thì phải hỏi cho kỹ để đến đúng cái lớn nhất. Chụp hình, rửa mặt và lội xuống suối rửa chân làm cho mình cảm thấy thoải mái hẳn, xua tan cái mệt mỏi của lúc bò lên đây.

Sau chừng 1h thì bọn mình trở ra, đi ngược về đền Ulun Danu mà lúc nãy khi đi lên thác đã đi ngang qua. Ulun Danu thật sự là nơi có địa thế đẹp. Lối vào như đi vào 1 công viên, sau đó ra bờ hồ và ngôi đền thì như 1 nhà thủy tạ. thế mới thấy là dân tình Bali rất đầu tư vào việc xây dựng 1 ngôi đền, ngoài kiến trúc thì địa thế cũng là 1 điều quan trọng, nào là đền trên vách núi, đền ngoài bờ hồ rồi đền ngay trên biển. Điều đó khiến cho mỗi ngôi đền bọn mình tới đều mang 1 nét khác nhau. Và vì địa thế đó mà vé vào Ulun Danu cũng mắc hơn mấy ngôi đền đi hôm qua, 30.000 IDR/người.



Ra khỏi đền, lúc này là 2h chiều, bọn mình đi tiếp xuống để trở về ngắm sunset tại Tanah Lot, 1 điểm không thể bỏ qua ở Bali. Trên đường về tính kiếm 1 quán cơm bán đặc sản cơm heo quay mà không được quán nào ưng ý, thế là tụi mình quyết định nhịn luôn chiều về ăn. Đường về lúc này có sương mù và mưa lất phất khá mát mẻ và lãng mạn


Tới Tanah Lot là hơn 4h30, tranh thủ mỗi đứa gặm 1 trái bắp nướng cầm hơi rồi đi vào đền. Không hiểu sao trước lúc đi mình đọc bài viết của mấy bạn thấy nói trái bắp có 4.000 IDR, nhưng qua đây họ bán tới 10.000 IDR, không biết là có bị mua hớ không :)) nhưng nói chung là bắp ngon, ăn ngọt như bắp mỹ của mình. Vé vào đền giá 30.000 IDR/người.


Tanah Lot có 2 đền, trong đó có 1 đền nằm trên bãi đá nhô ra biển, khi thủy triều lên thì sẽ chỉ còn ngôi đền như nằm chơ vơ giữa biển và muốn đi vào đền sẽ phải lội qua nước. Hên là đi sớm hơn ngày hôm qua nên bọn mình cũng tranh thủ chụp được những bức hình trước khi nước ngập hết bãi đá. Nhưng cũng vì hi sinh cho nghệ thuật mà trong 1 lúc sóng đánh vào ướt hết cả giày hehe.




Ngắm hoàng hôn đã đời xong bọn mình trở về khách sạn, tắm rửa rồi đi bộ dọc lên bãi biển ăn tối ở Food court. Ở đây bán đủ thứ từ hải sản đến món ăn Indo, 4 đứa kêu 7 món, uống 2 chai bia, 1 trái dừa hết tổng cộng 370.000 IDR. Ăn no nê quay về lại khách sạn uống cafe ở quầy bar bên dưới, nghe DJ chơi vài bản nhạc xong quay lên ngủ. Thế là hết chương trình tham quan ở Bali, còn ngày mai cho tiết mục tắm biển là chúng ta đi về.

Ngày 5: Bãi biển Kuta - mua sắm và transit về Singapore

Ăn sáng xong là cả bọn ra biển. Ở đây rất nhiều người cho thuê ván và dạy lướt ván với giá là 150.000IDR cho 2h, nhưng bọn mình cũng không có nhiều thời gian nên thôi, tắm biển xong lên đi shopping mua quà về VN. Ngoài ra ở đây còn có cái màn mat-xa trên bãi biển. 1 bà ra chào mời mình mát-xa 2 chân giá 5$, trả giá 1$ xong cuối cùng bà chốt giá 15.000 IDR (khoảng 1.5$) nhưng mình không chịu làm. Trong khi con bé đi chung ngày hôm qua ra đây mat-xa tay chân hết 75.000 IDR. Đúng là không trả giá 1/3 là hớ chắc.


 
Đi dọc hết bãi Kuta là sẽ qua đến bãi Legian, tại đây có 1 con đường rẽ phải sẽ đi vào khu mua sắm. Nó hơi giống khu mua sắm trên phố cổ Hội An, bán rất nhiều hàng thủ công, nhưng nhiều shops hơn và đi bộ hoài vẫn chưa hết. tuy nhiên bọn mình lại không mua được gì, ngoài 2 cái áo I love Bali. Xong lên taxi quay về khách sạn. dọn đồ ra sân bay. Từ Royal 18 ra sân bay mất khoảng 10p, đi taxi hết có 25.000 IDR. Ra sân bay tranh thủ ăn trưa trước khi ngồi máy bay gần 3h, thế mà tốn hết 340.000 IDR, mà dã man nhất là ở đây tính tỷ giá 1$ = 8.000 IDR. Do bọn mình còn không đủ tiền Indo để trả, chỉ có 120.000IDR nên phải trả thêm đến 28$

Transit qua đến Singapore bọn mình có 2h30 tha hồ shopping duty free, đi qua đi lại 2 bên terminal 1 và 2 để shopping luôn, sau đó là thêm 1h30 ngồi trên máy bay trở về VN, đến nơi là 9h tối.

Lần này đi Bali chương trình tour khá là dày đặc nên thật ra bọn mình chưa chơi được game nào ở bãi biển cả. Trong khi đó, dân tây qua đây chủ yếu là chơi ba cái trò surfing, rafting, diving, sea walker,... cho nên hứa hẹn là sẽ có lần sau quay trở lại Bali, không đi sightseeing nữa mà sẽ nghỉ dưỡng và chơi game, hehe.
Bali, hẹn lần sau nhé!

Full album on FB