Monday, January 2, 2017

Phượt Đồng Tháp - Châu Đốc: Tràm Chim, Trà Sư, chùa Bà núi Sam, làng hoa Sa Đéc

Chuyến du hành khởi đầu năm mới của mình chỉ có vỏn vẹn trong 3 ngày Tết Dương Lịch, nhưng lại được đi khá nhiều và có những trải nghiệm khá thú vị. Đi đợt này tự nhiên thấy miền Tây thú vị ghê, hết cái cảm giác chán chán là tỉnh nào cũng như tỉnh đó. Chẳng qua là xưa giờ do mình chưa chịu tìm hiểu hết mà đã vội kết luận rồi, vậy nên, đi lần này là để rút kinh nghiệm lần sau ta lại tiếp tục đi miền Tây nữa thôi! vì còn nhiều tỉnh chưa đi quá mà lị, kaka

Lịch trình đi của mình kỳ này như sau:
HCM - Tràm Chim (Đồng Tháp) - Châu Đốc - Trà Sư - Sa Đéc - HCM

Đi 3 ngày chạy xe máy tổng cộng cỡ 500km, thấy mình cũng còn khỏe và sung chán, mặc dù đi về giờ mỏi lưng mỏi chân và vừa ngồi gõ máy tính viết bài này vừa mỏi tay, nhưng mà thôi ráng tranh thủ viết liền, chứ cứ để vài bữa là lại lười chảy thay ra, giống như cách đây 2 tuần đi Palawan về mà còn chưa kịp viết review :(

Ngày 1: HCM đi Tràm Chim rồi về Châu Đốc

Sáng sớm ăn sáng uống cafe nạp đầy năng lượng xong 4 đứa 2 chiếc xe máy bắt đầu khởi hành lúc 8h ở Tân Phú, chạy một mạch đến cỡ 12h trưa là tới được Tràm Chim.

Đo bản đồ google thì né đường QL1A mà đi theo hướng Hương Lộ 2 - Tỉnh Lộ 10 - QLN2 thì gần hơn được khoảng 30km. Chỉ phải cái là khúc đầu ra khỏi thành phố, giáp ranh Long An đường vẫn đang làm, nên vừa đi vừa được tắm bụi miễn phí. Trên tinh thần đi bụi kỳ này thì thôi tắm bụi xem như một phần không thể thiếu, đến tối thì lại được tắm nước nóng là vui rồi.

Chạy 130km, 12h đến Tràm Chim, rẽ vô cái con đường đầu tiên bên trái có tấm bảng chỉ Tràm Chim - 3km vô được cái cổng gửi xe, có em hướng dẫn giải thích đây là cổng phụ, xích lên xíu nữa thì sẽ thấy cổng chính. Khác nhau giữa cổng chính và cổng phụ là cách đi vào khu trung tâm của Tràm Chim.
- Cổng phụ: vé xe điện vô bến tàu, cách cổng 3km là 35k/người, sau đó đi tour 400k/1 chiếc tắc ráng, đi vế tổng cộng 12km. Tụi mình là đi tour này.
- Cổng chính: có ngay bến tàu, không cần đi xe điện, có 2 loại tour giá 500k và 800k/1 chiếc tắc ráng.
1 chiếc tắc ráng đi tối đa được 10 người, nên đi càng đông thì càng tiết kiệm. Lúc nhóm mình dừng lại mua vé thì cũng có ngay 1 nhóm 4 với 1 nhóm 2 cũng dừng lại mua vé, thế là gom hết nhau lại vừa đủ 10 để đi 1 chiếc tắc ráng, coi như tốn có 40k/em.

Leo lên tàu rồi thì mới được em hướng dẫn giải thích rõ ràng 3 cái tour 400k, 500k, 800k đi khác nhau ra sao, rồi có thêm cả dịch vụ đi bằng thuyền kéo là ngồi ăn trên thuyền luôn, thấy cũng khá hay. Cho nên tới đây thì nên hỏi rõ đường đi của từng loại tour rồi quyết định là bạn muốn đi tuyến nào, dĩ nhiên là cái tuyến 800k đi được nhiều nhất. Ngoài ra còn 1 loại tour đặc biệt khác giá 270k/người để đi vào khu vực sinh sản của chim. Tuy nhiên, giờ giấc và thời gian đến đây cũng đóng vai trò khá quan trọng. Như bọn mình đi vào dịp tết tây, rơi vào giai đoạn sinh sản của chim, nên dù đi tour 400k hay 800k thì các loài chim đều không xuất hiện nhiều, muốn đi vào khu vực sinh sản thì nên đi vào sáng sớm hoặc cuối buổi chiều. Nghe nói mùa mà đi thấy nhiều chim nhất là cỡ tết âm lịch, rơi vào khúc tháng 2 đến tháng 4, nhưng tốt nhất là trước khi đi thì gọi xuống KDL để người ta tư vấn cụ thể tình hình thực tế hơn. Toàn khu vực Tràm Chim rộng hơn 7000 ha thì có đến 3000ha ở giữa dành để trồng cỏ năn, để dành cho sếu đầu đỏ về ăn, số lượng sếu đầu đỏ hằng năm về chừng 10-20 con, mà chúng không có tụ tập thành từng đàn, 1 gia đình sếu thường sẽ có 3 con, nên coi bộ muốn tận mắt dòm được sếu đầu đỏ chắc cũng không dễ. Tóm lại đó là tất cả kinh nghiệm mình có về Tràm Chim, khuyến nghị là hỏi rất kỹ trước khi đi để canh chim, còn cái màn mà thấy từng đàn bay bay như trên youtube thì chắc là phải ở đó vài ngày để canh cái lũ chim ấy, chứ bọn chúng hông có dễ dàng mà xuất hiện đồng loạt cho bạn shoot hình đâu :)))

Đi tới khu vực trung tâm thì tàu (tắc ráng) sẽ dừng lại trung bình 1h30p - 2h để bạn ăn uống, nghỉ ngơi, leo lên đài quan sát để dòm ngó. Đồ ăn ở KDL theo mình là tương đối rẻ, cho nên cũng không cần chuẩn bị trước đồ ăn để đem theo mà chỉ cần tập trung ngắm cảnh chụp hình rồi tới nơi order đặc sản ở đây là được. Một số món nên thử là Lẩu cua đồng quê (200k -  có cá ăn kèm luôn), cá chạch chiên giòn (100k - chắc gấp 3 cái dĩa cá kèo hay ăn trên Sài Gòn), tép xào điên điển (70k). Nhóm mình 4 người order 3 món uống mấy chai bia no cành hông, hết có 450k.

Ăn xong leo lên tắc ráng chở ngược ra ngoài là 3h30, bọn mình chạy tiếp 60km để sang Châu Đốc. Từ Tràm Chim ra chạy theo QL30, đi qua Hồng Ngự, sau đó đi phà Tân Châu - Hồng Ngự là qua tới địa phận tỉnh An Giang. Sau đó cứ dọc theo con đường sông mà chạy thì sẽ dẫn ra tới phà Châu Giang, đi qua thành phố Châu Đốc. Trước khi qua phà tụi mình đi vòng vòng tìm Thánh đường Mubarak, gặp phải google maps chỉ sai đường nên thành ra chui vô cái ngõ cụt. Hên sao khi tới đây bắt gặp ngay mấy nhà dân xây theo kiến trúc hồi giáo, rồi gặp dân làng ăn mặc theo đạo hồi nữa, nên mình zoom bản đồ lên thì tìm được mấy cái Mosque, chui vô tận nơi tham quan bà con đang tới giờ đi cầu nguyện, sau đó trước khi rẽ phải vào bến phà thì gặp lại Mubarak mosque nằm ngay ngoài đường chính.

Vào tới thành phố tụi mình mới lục đục đi kiếm khách sạn, tinh thần là tìm cái nào gần chợ để đi ăn cho khỏe. Ngang qua khách sạn Đại Lợi vào hỏi thì phòng đôi 500k, phòng 2 giường dành cho 3 người 700k (1 giường đôi, 1 giường đơn), phòng 2 giường đôi giá 800k. tính ở rồi mà trả cái phòng 700k xuống 500k mấy bạn không bớt, còn cái phòng đôi lại không có cửa sổ, nên thôi tiếp tục chạy qua Vĩnh Phước hotel xem sao. Vĩnh Phước thì ks hơi cũ, kiểu dành cho dân backpacker nên giá khá rẻ, chỉ có 200k phòng đôi, 250k phòng 2 giường bự đùng. Thế là tụi mình ở đây, tắm rửa xong đi bộ ra quán Bảy Bồng cách đó 1 con phố ăn tối, sau đi dạo 1 vòng bờ sông ngắm tượng cá rồi đi về ngủ.

Bảy Bồng nấu ăn khá ngon, mình ăn món nào thấy cũng vừa miệng. Nồi canh chua cá bông lau ăn hoài mới hết. Bà con miền tây có vẻ nấu ăn lúc nào cũng nhiều hay sao á. Tụi mình order lươn xào sate, cá lăng kho tộ, bông hẹ xào tôm với canh chua, tổng cộng hết cỡ 600k bao gồm 4 lon bia.

Ngày 2: Đồng Sen - Trà Sư - chùa bà - làng nổi Châu Đốc - Tp Sa Đéc

Sáng sớm 7h dậy trả phòng, sau đó bước mấy bước qua chợ ăn bánh mì pate chả lụa, rất ngon, nghe đồn là pate làm không có hàn the nên rất là đắt hàng. Bọn mình tối qua đi về đã dòm ngó quầy bánh mì bà con mua quá trời nên sáng ra nhất định phải ăn thử. Ăn xong lên xe chạy theo đường Nguyễn Văn Thoại hướng ra chùa bà, sau đó đi vòng bên hông núi sam theo hướng QL91 để chạy đến cầu Tha La rẽ trái vào đường kênh Tha La - đường đi đến rừng Trà Sư. Bản đồ google maps thì nó chỉ đi đường 948 đánh một vòng đến 30km, nên tụi mình quyết định lần mò theo đường này, tiết kiệm quãng đường hơn cả chục cây.

Đi được một chút bất ngờ bắt gặp được cánh đồng sen - trong khi hôm qua đi dọc hết Đồng Tháp không tìm thấy cái nào nên đinh ninh là giờ hết mùa sen rồi, Giờ thấy sen mừng quá thế là lao hết xuống mà chụp hình, có đứa còn quăng luôn cái ba lô để tiền bạc trên xe, y như bỏ của chạy lấy.. sen vậy đó. Chụp choẹt tha hồ xong chạy tiếp đường kênh Tha La, gặp 1 chú dân làng ở đây hỏi đường cho chắc ăn thì được cái tin sét đánh là đường này làm chưa xong, phải quành lại Đào Canal để đi cái kênh Trà Sư kế bên, cũng hên là vòng tới vòng lui mất cỡ thêm 15 phút, chứ chạy xuống hết đường mà không có đường vô rừng thì không biết làm sao. Kênh Tha La với Kênh Trà Sư giống như 2 cạnh 2 bên của cánh rừng, còn đường 948 thì bọc thêm 1 vòng rộng nữa rồi chạy song song với Kênh Trà Sư.

Vừa lạc lối ở cánh đồng sen vừa đi lạc đường thành ra 9h bọn mình mới có mặt ở Trà Sư, lúc này dân tình coi bộ cũng đông đông rồi, đứng chờ chừng 5 - 10p thì có thuyền máy cho bọn mình đi vô trong. Giá thuyền ở đây thì thay đổi theo số lượng người trong nhóm. đi nhóm 4 người thì giá mỗi người là 60k.

Thuyền máy đi đến 1 trạm dừng sau đó khách sẽ lên bờ, đổi qua thuyền có người chèo nhỏ hơn để len lỏi vô trong những dãy cây tràm. Nghe nói là khu rừng tràm bảo tồn này trồng mất mười mấy năm mới có được như ngày hôm nay. Tới đây thì phải nói là mê mẩn với vẻ đẹp của Trà Sư. Theo mình thì Trà Sư nhất định phải đi một lần trong đời và chắc chắn là đẹp hơn Tràm Chim rồi á. Tuy nhiên nếu đã làm 1 đường miền Tây thì nên kết hợp đi cả 2 như bọn mình, vừa được ngắm chim (nhiều ít hên xui) vừa được ngắm bèo. Thuyền chèo đưa bọn mình trở về trạm dừng, sau đó thuyền máy tiếp tục đưa đến khu vực trung tâm. Tại đây thì cũng có hàng quán bán đồ ăn thức uống, đài quan sát để ngắm toàn cảnh khu rừng, ngoài ra có cả bán hàng rong, kem cây, đá xay,... vì có một lối đi khác mà xe máy có thể chạy vô tận khu trung tâm này. Tuy nhiên nét đẹp ở đây thì phải đi thuyền mới thấy hết được, chứ ai mà chạy thẳng xe máy một lèo vô tới đây thì chắc chỉ còn có 30% cái hứng thứ để đi thôi.

Trở ra cũng bằng kênh Trà Sư chạy thẳng tới QL91, tụi mình quay ngược về chùa bà để viếng bà, rồi vòng qua lăng ông Thoại Ngọc Hầu ở đối diện, sau đó chạy thẳng ra bến thuyền du lịch ở đường Lê Lợi để thuê tàu đi thăm làng nổi. Ban đầu bọn mình hỏi ở nhà hàng bè nổi Mekong thì ở đây có cho thuê tàu 300k đi thăm làng nổi với làng Chăm, nhưng lại không có vụ ăn trưa trên bè. Do đó bọn mình gọi lại cho anh Minh - mới làm quen được ở khách sạn hồi sáng - do ảnh có giới thiệu vụ đi ra bè và có cả dịch vụ ăn trưa, giá thuê cũng 300k. Sau đó anh Minh này gọi cho anh Nghĩa - vừa là chủ tàu, vừa là chủ bè nổi, nhận đưa bọn mình đi tham quan, đồng thời nhận nấu ăn trên bè cho bọn mình luôn.

Trải nghiệm trên bè là một trải nghiệm khá thú vị, nó đem đến cho bạn một luồng không khí mới mát lành giữa vùng sông nước và thật sự là mình vẫn còn thấy thiếu thiếu. Sau này mà anh Nghĩa chủ tàu mở thêm cái dịch vụ homestay ở đây thì chắc hẳn là phải trở lại một lần nữa để thử một đêm trên sông nó thế nào. Nghe anh Nghĩa giới thiệu thì một cái bè như vậy giá trị đóng hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu là mắc do các loại gỗ đóng bè. Bè nổi có 2 tầng, tầng trên là gia đình anh sinh hoạt, tầng dưới là nuôi cá, diện tích một tầng cỡ 200m2. Một đàn cá nhà anh Nghĩa nuôi là hơn một trăm ngàn con, sau 8-10 tháng thu hoạch được 400-500 triệu.

Sau khi tham quan bè, đặt một số món ăn để đầu bếp chính là chị Hạnh - em anh Nghĩa đi chuẩn bị thì anh lái tàu tiếp túc đưa bọn mình đi tham quan làng Chăm Đa Phước. Ở khu vực châu Đốc này có 2 làng Chăm, làng Chăm Châu Phong, hay còn gọi là Châu Giang, thì nằm bên kia sông mà hôm qua bọn mình đã ghé qua, có 3 cái mosque. Còn làng Chăm Đa Phước bên này sông thì có khoảng 1000 dân sinh sống, có 5 cái mosque. Mấy bác bô lão ở đây khi giải thích cho bọn mình thì gọi mosque bằng chùa luôn, nghe quen thuộc y như đạo Phật.

Từ làng Chăm trở về bè nổi, cả bọn đánh chén no ngất ngư với gỏi sầu đâu ăn với cá lóc nướng, cá sủ chiên xả và cá basa nhúng dấm. Nói chung là phần ăn này chắc phải 6 người ăn mới hết, món cá nhúng dấm là không nhúng hết nổi cá luôn. Tổng cộng tiền ăn cỡ 500k, chưa tính nước. Nước thì trên bè bán 20k/lon. Ngoài ra trên bè cũng có bán các món hàng thổ cẩm của dân tộc Chăm dành cho khách du lịch.

5h bọn mình trở về đất liền, quay về ks lấy hành lý gửi từ lúc sáng, sau đó khởi hành đi Sa Đéc. Ra khỏi Châu Đốc là trời bắt đầu tắt nắng, sau đó nhá nhem tối rồi tối rất nhanh. Đường từ Châu Đốc qua Sa Đéc 90km, giữa đường đi ngang qua TP Long Xuyên thấy thật sự ngạc nhiên vì mức độ phát triển của thành phố này, đi ngang thấy Vincom Plaza, Trà Tiên Hưởng,.. làm cứ tưởng đang ở Sài Gòn. Rời TP Long Xuyên, đi phà Vàm Cống là qua lại Đồng Tháp, chạy tiếp tục 35km đến 8h bọn mình mới tới được Sa Đéc. Ghé qua Phuong Nam hotel ở 384 Nguyễn Sinh Sắc thì hết phòng, song được khách sạn dắt qua chi nhánh 2 nằm trong 1 con hẻm thì có phòng 200k/đêm. Mặc dù cái con hẻm vô nhỏ xí làm mình hơi dợn chút nhưng phòng ốc mới mẻ sạch sẽ nên quyết định ở luôn. lúc sau đi ra đi vô con hẻm thấy quen rồi thì cũng bình thường, lại thấy nó ngắn ngủn chứ không như cái cảm giác dài ngoằn của lần đầu chạy vô.

9h30 tối đi ra kiếm đồ ăn thì ôi thôi, quán xá đóng cửa từa lưa, chỉ còn toàn quán nhậu. Mà lúc này cả nhóm cũng phê rồi nên quyết định chui vô làm mấy tô cháo lòng rồi về ks ngủ khỏe.

Ngày 3: Làng hoa Sa Đéc - nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - về Sài Gòn

Sáng ra ăn sáng đặc sản hủ tiếu Sa Đéc ở quán Bà Sẩm - 188 Trần Hưng Đạo. Quán này thì nổi tiếng và đông khách khỏi nói. Đặc biệt là rất là rẻ, tô thường 6k, tô đặc biệt ăn no nức có 10k.

Ăn xong chạy qua bên kia sông là làng hoa Tân Qui Đông - hay còn gọi là làng hoa Sa Đéc. Mùa này chuẩn bị tết nên làng hoa rất là nhộn nhịp, bà con tham quan đông đúc. Đi tham quan được 2 nhà vườn xong chạy xuống 1 đoạn gần cuối có quán cafe làng hoa vô ngồi nghỉ chân uống nước luôn. Xong sau đó bọn mình chạy qua nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ngay bờ sông, nghe kể lại câu chuyện về người tình. Mùa này đi ở đâu cũng đông khách, tới nhà cổ gặp một lúc mấy đoàn khách Tây vô tham quan, nghe đi nghe lại câu chuyện tình của ông Huỳnh Thủy Lê với Bà Margaret - là tác giả viết cuốn truyện Người Tình nổi tiếng.

Rời nhà Người Tình là bọn mình về ks trả phòng, lên đường quay về Sài Gòn lúc 11h30. Trên đường về ghé vô TP Mỹ Tho ăn cơm gà Chí Thành, rồi về lại tới nhà là 4h15 chiều, coi như là hết 3 ngày lê lết được 2 tỉnh miền Tây, khám phá được những điều thú vị và mới mẻ về Đồng Tháp và An Giang.







4 comments:

  1. Tuyệt vời!! Cảm ơn bạn đã chia sẽ!

    ReplyDelete
  2. Bạn ơi cho mình xin số điện thoại anh Nghĩa được ko ?

    ReplyDelete
  3. https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10210296620705209&set=a.10210289555528584&type=3&theater

    ReplyDelete
  4. contact theo hình link tren nha ban

    ReplyDelete